Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ: ĐỪNG ĐỂ “CÒN NƯỚC CÒN TÁT”

ĐIỀU TRỊ BỆNH UNG THƯ: SAO PHẢI CHỜ ĐẾN
“CÒN NƯỚC CÒN TÁT”?

Bs. Trần Văn Năm

Tỉ lệ mắc bệnh ung thư hiện tăng đến mức báo động. Nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 126.000 ca. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ gần 200.000 ca (Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam).

Một thực trạng đáng buồn: tỉ lệ tử vong do bệnh ung thư (điều trị không hiệu quả) ngày càng cao. Có thể do bệnh phát hiện muộn, tế bào ung thư đã vượt khỏi vị trí bệnh ban đầu để theo dòng máu đến các vị trí khác của cơ thể (di căn), hay sự hạn chế của khả năng y học hiện nay.

Có những trường hợp bệnh viện cho về nhà vì vượt quá khả năng phẫu  - xạ - hoá , người bệnh cũng như người thân thường  đau khổ và không cam chịu ngồi chờ bàn tay độc ác của tử thần mang người yêu thương của mình ra đi. Lúc này, phần lớn mọi người muốn tìm đến một địa chỉ trị bệnh nào đó (cả cơ sở điều trị chính thống và không chính thống) với hy vọng “còn nước còn tát”.

Tuy nhiên, đôi khi thật buồn vì không còn nước để tát. Tại sao lại để quá muộn mà không tích cực chữa trị từ khi bệnh còn khả năng  phẫu - hoá - xạ trị hay kết hợp với y dược cổ truyền ngay khi còn có thể.

Nguyên nhân của bệnh ung thư là gì?


Cho dù hiện tại căn nguyên chính xác của bệnh ung thư chưa được biết, tuy nhiên các yếu tố thuận lợi gây bệnh ung thư ngày càng được xác định, bao gồm:

- Tuổi cao: tỉ lệ người cao tuổi mắc bệnh ung thư nhiều hơn người trẻ.
- Yếu tố di truyền (chiếm tỉ lệ thấp khoảng 5 – 10%): một số loại ung thư như vú, ruột, dạ dày…nếu cha (mẹ) mắc phải con cái có nguy cơ bị bệnh
- Ăn uống chất độc hại (chiếm 35%): thức ăn nước uống nhiễm chất độc hại (nấm mốc, hoá chất, thuốc trừ sâu…) hoặc chế biến không đúng cách: nướng thịt bị cháy đen, dầu mỡ sử dụng lại nhiều lần, thuốc lá (chiếm 30%), rượu bia, sử dụng thuốc hướng thần kinh kéo dài, lối sống không lành mạnh (chiếm 25 – 30%) như thức khuya, lấy đêm làm ngày, ít vận động thich nằm – ngồi nhiều, quá gầy hoặc thừa cân – béo phì

Cần làm gì để phòng bệnh ung thư?


- Kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đặc biệt những người sau 45 – 50 tuổi và có các yếu tố nguy cơ như kể trên.
- Từ bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa rượu bia (rượu bia quá độ hiện có thể xem là vấn đề xã hội nan giải của nước ta hiện nay).
- Kiểm soát stress, tư duy tích cực.
- Tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày: thở sâu, xoa bóp, đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga…hay một môn thể thao phù hợp với tuổi và sức khoẻ.
- Ăn uống hợp lý: hạn chế đường tinh chế, thịt đỏ (bò, heo, dê, cưù,..), nước có gas, chất béo động vật. Nên chế biến thức ăn đơn giản (luộc, hấp, kho), tăng cường rau củ quả sạch. Thực hiện mỗi ngày ăn trong khẩu phần ăn nên:

o 40% rau, củ, quả (đủ các loại rau củ có các màu đỏ, vàng, xanh đậm) trong cơ thể cần khoảng 30gr chất xơ (một quả cam hoặc táo có 3 gr chất xơ);
o 40% chất đạm: chủ yếu từ cá, trứng, đậu hủ, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều;
o 15% tinh bột: Chiếm khoảng 15% khẩu phần mỗi ngày;
o 5% sản phẩm từ sữa (yogurt, cheese, sữa tươi ít chất béo...)
o Bổ sung một viên multivitamin mỗi ngày (chứa Vitamin A, C, E).

Làm gì khi phát hiện bệnh ung thư:


Không nên tuyệt vọng, buông xuôi. Nếu bệnh còn ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2) hoặc còn khả năng hoá – xạ - phẫu trị, nên được theo dõi và chữa trị theo ý kiến của chuyên gia có kinh nghiệm trong lãnh vực bệnh ung bướu.

Tuy nhiên, hiện tại do đặc điểm y tế của Việt Nam: bệnh thường được phát hiện trễ và từ lúc được chẩn đoán đến lúc được điều trị chính thức phải mất rất nhiều tháng mới bắt đầu. Vậy sao trong lúc y học hiện đại chưa can thiệp gì thì các liệu pháp thiên nhiên cần được áp dụng càng sớm càng tốt không đợi đến lúc “còn nước còn tát”.

Liệu pháp từ thiên nhiên là gì?


- Thực hiện thay đổi lối sống: bỏ ngay cách ăn uống không hợp lý kể trên, tập thể dục mỗi ngày, tư duy tích cực (bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết);
- Kiểm soát cân nặng: không để cơ thể thiếu nước, quá gầy hoặc béo phì;
- Sử dụng một số loại dược liệu (có thể các loại vừa là rau vừa là thuốc)  từ thiên nhiên đã được thế giới và nước ta thử nghiệm có hiệu quả, với các tác dụng như sau: tăng sức đề kháng, chống oxy hoá, thanh lọc cơ thể…
- Các loại dược liệu phổ biến nên sử dụng khi có chỉ định:

o Tăng sức đề kháng và kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư: Nấm Linh chi, Nấm Thượng hoàng, Hà thủ ô, Trinh nữ hoàng cung, Nhân sâm (Sâm Ngọc linh, sâm Hàn quốc…),…
o Chống gốc tự do: lá Đu đủ, Tỏi, cây Xạ đen, cây Nhàu, Xáo tam phân, cây Hoàn ngọc…
o Thanh lọc cơ thể: Kim ngân hoa, Bồ công anh, Bạch hoa xà thiệt thảo, Bán chi liên…

Lời kết: Bệnh ung thư nói riêng và mọi bệnh tật nói chung nếu chữa trị càng sớm hiệu quả càng cao, thậm chí phòng bệnh là cách tốt nhất để tiết kiệm được thời gian, tiền bạc. Càng sống ít bệnh tật, chất lượng sống ngày càng tăng .