Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

TOA CĂN BẢN: THANH LỌC CƠ THỂ ĐƠN GIẢN HIỆU QUẢ

TOA CĂN BẢN:

MỘT BÀI THUỐC THANH LỌC CƠ THỂ ĐƠN GIẢN HIỆU QUẢ
TRONG NHỮNG NGÀY NẮNG NÓNG

Bs Trần Văn Năm

  Từ những ngày cuối tháng 4 đến nay và dự báo khí hậu nắng nóng sẽ còn kéo dài, tạo điều kiện phát sinh các nhiều bệnh do nhiễm khuẩn (vi khuẩn và siêu vi khuẩn) như: viêm đường hô hấp, tiêu chảy, tay chân miệng, Herpes zoster... trên trẻ em, người cao tuổi có sức đề kháng giảm sút cũng như nhiều bệnh mạn tính không do vi khuẩn như: tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đái tháo đường… trở nên khó kiểm soát. Hậu quả là tỉ lệ người bệnh phải nhập viện gia tăng một cách đột biến. Căn nguyên do nhiệt độ môi trường tăng quá cao gây ảnh hưởng đến toàn bộ các chức năng hoạt động thiết yếu của cơ thể như: chức năng sản nhiệt – thải nhiệt, chức năng bài tiết – hấp thu, chức năng điều hoà miễn dịch…


Do đó, để giúp cơ thể vượt qua ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng chúng ta có thể tận dụng những cây thuốc dễ tìm quanh vườn nhà có khả năng thanh lọc cơ thể như: Rau má, Rễ tranh, Mã đề, củ Sắn dây,…trong số những bài thuốc nam (thuốc được trồng hay mọc hoang tại Việt Nam) kinh điển có bài “Toa căn bản”.

“Toa căn bản” là bài thuốc được sử dụng từ những năm 1950 do Bs Nguyễn Văn Hưởng (nguyên Bộ trưởng Bộ y tế) sưu tầm từ Lương y Võ Văn Hưng và phổ biến ứng dụng trong phòng và trị nhiều loại bệnh lý thường gặp trong cộng đồng thời bấy giờ, và đến nay vẫn còn giá trị sử dụng trị bệnh.

1. Thành phần và cách chế biến Toa căn bản:

Toa căn bản gồm 10 loại cây quanh nhà dễ tìm, tuỳ từng địa phương có thể thay thế bằng các loại cây khác nhau nhưng có tác dụng tương tự và liều lượng thuốc phù hợp tuỳ tình trạng bệnh.

1.1. Thành phần của Toa căn bản:

Số tt
Tên thuốc
Lượng (g)
Tác dụng
Thuốc thay thế
1
Cỏ mực
10 – 12 
Cầm máu, hạ nhiệt, thải độc, chống viêm.
Lá Huyết dụ, Trắc bá diệp.
2
Rễ tranh
8 – 10
Lợi tiểu, cầm máu, hạ nhiệt
Râu ngô, Râu mèo, Mã đề, Rễ cây Dứa dại.
3
Rau má
10 – 12
Lợi mật, chống dị ứng, kháng sinh, chống viêm.
Rau đắng lá lớn, Tinh tre, Trái khổ qua.
4
Lá muồng trâu
3 – 5
Nhuận trường, lợi mật, lợi tiểu.
Vỏ Cây đại, Lá mơ lông
5
Cỏ Mần trầu

10 – 15


Hạ nhiệt, chống viêm, diệt khuẩn.

Lá dâu tầm, Kim ngân hoa, Rau sam.
6
Gừng

3 – 5
Loãng đàm, kích thích tiêu hoá, chống viêm.
Củ riềng, Vỏ Bưởi, Vỏ Phật thủ
7
Cam thảo nam
10 – 12
Lợi tiểu, hạ nhiệt, chống viêm, diệt khuẩn.
Mía, Cam thảo dây, Hạt Đậu xanh.
8
Ké đầu ngựa
8 – 10
Ra mồ  hôi, hạ nhiệt, kháng sinh, chống dị ứng.
Ké hoa đào, Ké hoa vàng, Ké hoa đào, Ô rô nước
9
Củ sả

4 – 6
Kích thích tiêu hoá, ra mồ hôi, tiêu thức ăn.
Thuỷ xương bồ
10
Trần bì
4 – 6
Kích thích tiêu hoá, loãng đờm, gỉam ho.
Vỏ Cam, Chanh, Bưởi

1. 2. Cách nấu Toa căn bản:

Toa căn bản dưới dạng cao lỏng (cô đặc thành lượng ít 100 – 120 ml) dùng cho cá nhân hoặc dạng nước tương tự một loại nước giải khát dùng cho nhiều người .

+ Sơ chế cây thuốc:
-         Rễ tranh, Rau má, Lá Muồng trâu, Cỏ mực, cỏ Mần trầu, Cam thảo nam: cắt nhỏ, phơi trong mát đến khi dược liệu héo đi sẽ sấy hoặc phơi khô ở nhiệt độ khoảng 50 - 60 0c.
-         Ké đầu ngựa: rửa sạch, phơi hoặc sấy khô trong ngày khi dùng mới được giã dập.
-          Trần bì: rửa sạch, phơi hoặc sấy cho khô trong ngày.
-         Củ Sả, Củ Gừng: chọn loại tươi mới, rửa sạch, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô.
Lưu ý: phơi hoặc sấy khô nhưng còn giữ màu xanh của lá, không để màu cây thuốc chuyển thành màu vàng úa của lá khô là kém chất lượng.

+ Nấu cao lỏng (dùng cho cá nhân, hoặc đóng chai sử dụng trong nhiều ngày):
-         Cân các cây thuốc đúng liều lượng, cho vào nồi nấu, đổ nước ngập cao hơn mặt thuốc 5 cm, nấu sôi 1 giờ, chiết lấy nước 1.
-         Thêm nước cao hơn mặt thuốc 3 cm, nấu 30 phút, chiết lấy nước 2.
-         Thêm nước cao hơn mặt thuốc 2 cm, nấu 30 phút, chiết nước 3, bỏ bã.
-         Thu chung 3 nước chiết lại, lọc qua vải lọc, để lắng 3 ngày trong tủ lạnh. Hút lấy dịch trong bên trên, phần chứa cặn được lọc qua lọc mịn (hay lọc qua máy ly tâm) trộn vào phần dịch trong ta sẽ có được Cao lỏng Toa căn bản.

+ Nấu dạng nước giải khát dùng cho nhiều người:
Cây thuốc sau khi sơ chế như trên, tất cả cho vào nồi to cho vào khoảng 3 lít nước sạch, đung sôi trong 30 – 45 phút còn 2 lít, để nguội cho vào chai hoặc bình uống dần trong ngày.

+ Cả hai dạng thuốc trên nếu muốn có vị ngọt thêm Mía, riêng người bị đái tháo đường nên cho thêm 4 – 6 g cây Cỏ ngọt.

2. Tác dụng và ứng dụng trị liệu:

2.1. Tác dụng:

-         Giảm sốt: hạ nhiệt không gây ra nhiều mồ hôi.              
-         Lợi tiểu: tăng lượng nước tiểu.
-         Lợi mật, kích thích tiêu hoá: giúp dễ tiêu hoá các thức ăn đạm, bột, dầu mỡ.
-         Nhuận trường: điều hoà nhu động và tiết dịch tại niêm mạc đại tràng, giúp làm mềm và tăng lượng phân.
-         Chống viêm, diệt khuẩn: hạn chế phát triển vi khuẩn – siêu vi khuẩn đường hô hấp, đường tiết niệu.

2.2. Ứng dụng trong một số bệnh thường gặp:


Toa căn bản hiện đang sử dụng giúp thanh lọc cơ thể và điều trị hiệu quả một số diện bệnh: viêm đường tiểu, viêm đường mật, sốt do siêu vi (sốt xuất huyết Dengue, sốt phát ban).