Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

LIỆU PHÁP THIÊN NHIÊN HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH VẢY NẾN



ĐIỀU TRỊ BỆNH VẢY NẾN BẰNG LIỆU PHÁP THIÊN NHIÊN

Bs. Trần Văn Năm
Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn (do hệ miễn dịch tăng hoạt động và tấn công vào các tổ chức bình thường của cơ thể, chủ yếu là da) mạn tính chiếm khoảng 3 – 4% dân số của Mỹ, bệnh chủ yếu xảy ra ở người lớn, trẻ con có tỉ lệ bệnh thấp (JAMA Dermatology). Theo Sở y tế quốc gia thuộc Vương quốc Anh, khoảng 2% dân Anh bị bệnh vảy nến, tuổi thường gặp 11 đến 45 tuổi, tuy nhiên các lứa tuổi khác cũng có thể mắc bệnh.


1. Biểu hiện của bệnh: 


- Da xuất hiện các mảng đỏ, dày, sần sùi, tróc vảy. Vị trí thường gặp là nơi mặt duỗi của các khớp (khuỷu, gối), da đầu, mặt, tai, thắt lưng, lòng bàn tay, bàn chân, các nếp gấp ở bộ phận sinh dục, mông và móng tay - chân.

- Khoảng 10 – 20% người bệnh vảy nến có nguy cơ bị viêm khớp vảy nến.

- Bệnh vảy nến không lây, nhưng về mặt xã hội người bệnh thường bị mặc cảm trong giao tiếp, quan hệ xã hội, đặc biệt đối với thể bệnh nặng và có sự liên quan đến chứng trầm cảm ở một số người bệnh.

- Gần đây, các chuyên gia còn cho biết người bệnh vảy nến có nguy cơ mắc thêm bệnh tim mạch, đái tháo đường.

2. Nguyên nhân bệnh:


- Nguyên nhân chính xác của bệnh không được biết.

- Hầu hết các chuyên gia tin rằng có yếu tố di truyền và bị thúc đẩy bởi uống nhiều rượu, hút thuốc lá quá nhiều, stress tinh thần, và sau khi ngưng đột ngột thuốc corticoid dùng đường toàn thân.

3. Phân loại bệnh vảy nến:


Tuỳ theo biểu hiện của bệnh mà chia ra các thể: vảy nến tróc vảy (chiếm 80 – 90%, da bong vảy từng mảng trắng), vảy nến nếp gấp (đặc biệt ở vùng nách, bộ phận sinh dục, nếp dưới vù, nếp mông…), vảy nến bóng nước, vảy nến mụn mủ, vảy nến đỏ da…

4. Yếu tố nguy cơ (yếu tố gây khởi hát bệnh):


Tiền căn gia đình, theo thống kê có khoảng 30% người bệnh có thành viên trong gia đình bị vảy nến (có 3 gen liên quan: SLC9A3R1, NAT9 và RAPTOR), Bệnh nhân HIV, nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần (viêm họng do streptococcus), stress tâm thần kinh, thừa cân – béo phì, hút thuốc lá kéo dài, một số thuốc tân dược trị bệnh tim mạch (thuốc ức chế bêta, ức chế men chuyển), thuốc chống sốt rét, sử dụng liều cao và ngưng đột ngột chất corticoids có thể gây bệnh vảy nến…

5. Chẩn đoán bệnh:


- Bệnh chủ yếu được thầy thuốc chẩn đoán dựa vào biểu hiện bên ngoài và diễn tiến của bệnh, hiện không có một xét nghiệm đặc hiệu nào sử dụng cho chẩn đoán, một số nước có dùng kỹ thuật sinh thiết da.

- Một số xét nghiệm máu nhận biết diễn tiến nặng của quá trình viêm: tốc độ máu lắng, C-RP, x-quang khớp (viêm khớp vảy nến)…

6. Bệnh vảy nến điều trị như thế nào:


Hiện nay, y học chưa thể điều trị khỏi hẳn bệnh vảy nến. Tuy nhiên, mục tiêu điều trị nhằm: hạn chế quá trình viêm, chống nhiễm trùng (nếu có), giảm bong tróc vảy, và làm mềm da.

Điều trị theo quy ước của Y học hiện đại: chọn thuốc dựa vào phân loại bệnh, mức độ nặng và vùng da nào của cơ thể bị ảnh hưởng. Các thuốc được sử dụng phối hợp:


  • Thuốc bôi tại chỗ, 
  • Quang trị liệu (phototherapy), 
  • Đường uống (ức chế miễn dịch, kháng viêm, kháng sinh, mềm da…) 
  • Đường tiêm (thuốc sinh học, biologic therapy).


7. Điều trị bệnh vảy nến bằng liệu pháp thiên nhiên:


Vì bệnh vảy nến là một biểu hiện ngoài da của một bệnh toàn thân, nên điều trị cần một liệu pháp tổng hợp từ sử dụng thuốc và không dùng thuốc:

- Chế độ ăn: hạn chế thức ăn gây tăng quá trình viêm mạn tính như: thức ăn quá ngọt, thịt đỏ, các loại mắm, mỡ động vật, thức ăn chế biến cầu kỳ. Tăng cường rau xanh, củ, trái cây; uống đủ nước tinh khiết hoặc nước chế biến từ một số loại dược liệu quanh nhà: Rễ tranh, Mã đề, Râu Ngô, Rau má…có thể bổ sung vitamin và nguyên tố vi lượng: acid folic (1mg/ngày), Kẻm (25mg/ngày), Selen, Omega – 3…

- Tập thể dục vừa sức: Dưỡng sinh, Yoga, Thái cực quyền, Thiền định, ngủ đủ giờ, kiểm soát stress… nhằm tăng sức đề kháng,

- Sử dụng thuốc: tuỳ giai đoạn, thể bệnh và tổng trạng của người bệnh sẽ chọn thuốc phù hợp:

a. Thể bệnh với da đỏ nhiều (tăng quá trình viêm, đông y gọi là nhiệt) mụn nước, rỉ dịch  (tăng xuất tiết, đông y gọi là thấp), ngứa (dị ứng, chứng phong của đông y):

  • Đỏ da, ngứa, rỉ dịch: Kim ngân hoa, Bồ công anh, Sài đất, Diệp hạ châu (liều từ 12 – 15g), Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm (8 – 12g), 
  • Ngứa: Cam thảo (6g) ,  Phòng phòng, Sài hồ,  (10 – 12g) , Kinh giới, Tía tô, Bạch linh, Bạch chỉ (12 – 15g), 
  • Mụn nước, rỉ dịch: Bạch phục linh, Rễ tranh, Râu mèo (từ 15 – 20g),Ngưu tất (12g),

Chọn mỗi nhóm từ 1 đến 2 vị dược liệu trên, nấu với nước uống.

b. Thể bệnh với đỏ da, ngứa, da khô, tróc vảy (thiếu nước, chứng táo):

  • Thuốc trị đỏ da và ngứa như trên thêm vị thuốc trị khô da, tróc vảy dưới đây:
  • Da khô tróc vảy trắng từng mảng: Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn, Sa sâm (12 – 15g), Ngũ vị tử (6 – 8g).


c. Thể bệnh lâu ngày, cơ thể suy nhược: Hà thủ ô đỏ, Hoàng kỳ, Nhân sâm, Đảng âm, Đinh lăng, Bạch truật, Đương quy…

Tuỳ tình trạng đáp ứng thuốc của người bệnh, YHCT lưu ý sử dụng thêm các thuốc thúc đẩy tuần hoàn (Hoạt huyết: Đan sâm, Kê huyết đằng, Cỏ mực, Xuyên khung) hoặc thuốc ổn định tâm thần kinh (Lạc tiên, Tâm sen, Thảo quyết minh, Bình vôi)…

d. Viêm khớp vảy nến: Độc hoạt, Khương hoạt, Tục đoạn, Cỏ sướt, Tang ký sinh (10 – 15g) …

8. Dự phòng: 


Đây là bệnh có nguyên nhân chưa xác định và là bệnh tự miễn nên dự phòng rất khó khăn. Tuy nhiên, cần tránh các yếu tố nguy cơ biết được như:

- Điều chỉnh lối sống hợp lý: không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, ăn uống hợp lý (tăng cường rau xanh, trái cây, uống đủ nước), thường xuyên tập thể dục, hạn chế tác hại của môi trường (ô nhiễm không khí, hoá độc hại, mỹ phẩm),

- Sử dụng một số nước uống từ cây rau làm thuốc có tác dụng chống gốc tự do (chất làm tổn hại tế bào) như: nước xay Rau má, Bơ, Cà rốt, Táo…

- Rèn luyện tinh thần, thể lực, kiểm soát stress…

- Sử dụng thuốc khi có ý kiến của thầy thuốc.

Lưu ý: 


- Gần đây, có nhiều thông tin trên mạng giới thiệu một số cây thuốc Nam có tác dụng trị bệnh vảy nến như: ăn lá Hoàn ngọc, lá Lược vàng… có hiệu quả đối với vài người. Tuy nhiên, cơ thể mỗi người mỗi khác, thể bệnh này cần thuốc này, thuốc khác cho thể bệnh khác. Không thể chỉ có một cây thuốc hoặc một bài thuốc cố định có hiệu quả cho tất cả mọi người.

- Khi quyết định dùng thuốc cần tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên khoa và lắng nghe đáp ứng của cơ thể.

- Đối với người bệnh vảy nến luôn cần sự động viên và chia sẻ của người thân, bạn bè. Bản thân người bệnh cần kiên trì, lựa chọn phương pháp điều trị khoa học, hạn chế buồn chán, bi quan vì “trạng thái tâm lý tiêu cực sẽ luôn gây nặng thêm tình trạng bệnh hiện có”.