CÂY BÌM BỊP (BB) TRỊ BỆNH GÌ?
Bs. Trần Văn Năm
Cây Bìm bịp (cây Xương khỉ, cây Liền xương) là loại dược liệu dùng trị bệnh trong dân gian, phổ biến ở một số nước Châu Á, Châu Phi, Nam – Trung Mỹ và Đông Nam Á như Thái lan, Indonesia, Malaysia, Trung quốc…tại Việt Nam những năm gần đây nhiều người giới thiệu nhau để trị một số bệnh thường gặp như: đau xương khớp, viêm niêm mạc lưỡi – miệng, bệnh ngoài da…
Theo nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng tại Malaysia, Thái lan thông báo một số kết quả sau:
Cây Bìm bịp (Clinacanthus nutans, Họ: Acanthaceae)
|
1. Thành phần hoá học và hoạt chất: trong lá và thân cây BB có chứa các chất: terpenoids, flavonoids, C-glycosylflavones, glucosides và glycoglycerolipids.
2. Nghiên cứu thực nghiệm: ghi nhận BB có một số tác dụng:
- Ức chế sự tăng sinh của một số tế bào u (IMR32, SNU-1, LS-174T, HepG2),
- Chống gốc tự do (anti-oxidant, chống oxyt hoá), gốc tự do hiện diện nhiều là thủ phạm của lão hoá và các bệnh mạn tính khó trị.
- Giảm lượng đường máu, điều hoà hệ miễn dịch qua đáp ứng trung gian tế bào (tăng tế bào lympho, giảm hoạt tính của tế diệt tự nhiên, ức chế IL-2, tăng IL-4).
- Ức chế sự phát triển của virus: cúm, sốt Dengue, Herpes…
3. Nghiên cứu lâm sàng: ghi nhận cây BB có hiệu quả tốt một số bệnh lý:
- Chống đau, kháng viêm trong bệnh xượng-khớp như: thoái hoá khớp, bệnh đĩa đệm cột sống, chấn thương…
- viêm niêm mạc miệng thường xuyên tái phát (recurrent apthous ulcer): kháng virus Varicella Zoster.
4. Độc tính:
Một thử nghiệm độc tính trên chuột cái Sprague Dawley khi cho uống dịch chiết methanol từ lá cây BB ở liều 300 – 600 – 900 mg/kg, kết quả không ghi nhận tổn thương trên gan và thận.
5. Thực tế ứng dụng trong lâm sàng: cây BB đang được sử dụng hiệu quả trong:
- Đau sau chấn thương, gãy xương kín: đâm nhuyễn lá tươi đắp trên nơi chấn thương hoặc vùng xương gãy có tác dụng chống đau, giảm sưng rất tốt. Hiện nay, cách xử trí này đang áp dụng cho tất cả trẻ bị xương thuỷ tinh còn gọi bệnh Tạo xương bất toàn (Chi Hội Lộc Xuân chăm sóc trẻ xương thuỷ tinh, Quận 12). Từ khi áp dụng biện pháp này hầu như trẻ không cần sử dụng thuốc giảm đau.
- Viêm họng mạn tính, loét niêm mạc miệng thường xuyên tái phát: dùng lá tươi nhai nhuyễn, ngậm giữ vài phút, sau đó nuốt.
- Rối loạn chức năng gan (ăn chậm tiêu, tăng men gan): ăn sống hoặc dùng toàn cây nấu nước nước uống liều 15 – 20g/ ngày, nhận có hiệu quả tốt.