Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2019

Giận Quá Mất Khôn

TRÁNH “GIẬN QUÁ MẤT KHÔN”

Bs. Trần Văn Năm

1. Giận tác hại trên cơ thể ra sao?

Khi cơn Giận xuất hiện sẽ tác động đến một số bộ phận trên não: Hạch hạnh nhân (amydala), vùng dưới đồi (hypothalamus), tuyến yên (pituitary gland). Sau đó sẽ kích thích lên vỏ tuyến thượng thận gây tiết Cortisol, adrenaline, noradrenaline.


(Hình minh họa)

Khi cortisol, adrenaline, noradrenaline hiện diện nhiều và kéo dài trong máu sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ thể:

  • Tim mạch: tăng nhịp tim, tăng hyết áp, tăng sức căng thành mạch, dễ đông máu...và có nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não).
  • Thần kinh: đau đầu, khó tập trung, trí nhớ giảm, run tay
  • Hô hấp: nhịp thở nhanh nông, khó thở , tăng tiết đàm (do histamine gây co thắt phế quản), 
  • Tiêu hóa: giảm lượng máu đến da dày – ruột, nên hạn chế hấp thu – chuyển hóa thức ăn, viêm loét dạ dày, hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản, tiêu chảy hoặc táo bón, giảm tiết nước bọt (khô miệng).
  • Chuyển hóa: tăng acid béo, tăng đường huyết, rối loạn hoạt động tuyến giáp,
  • Miễn dịch: giảm sức đề kháng (tăng tỉ lệ bệnh nhiễm trùng, bệnh ung thư), bệnh tự miễn...
  • Xương: giảm mật độ xương (loãng xương)
  • Mắt: giảm thị lực, tăng nhãn áp (glaucome).

2. Hậu quả:

Nhiều loại bệnh xuất hiện và một người mắc nhiều bệnh: kết hợp với cuộc sống ngày càng hối hả, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, chúng ta thường xuyên bị rối loạn cảm xúc (giận, buồn, lo, sợ…), đặc biệt là các cảm xúc âm tính (ngược với cảm xúc dương tính: vui vẻ, hạnh phúc, tươi cười…) sẽ tạo ra nhiều bệnh khó chữa khỏi như: đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, rối loạn hoạt động tâm – thần kinh, đặc biệt bệnh ung thư.

Hàng ngày phải mang thuốc bên mình với đầy đủ chủng loại: vì uất giận sẽ gây sức đề kháng giảm, đặc biệt ở người cao tuổi, cùng một lúc sẽ mắc nhiều hơn 1 bệnh. Do đó, việc phải uống nhiều thuốc kéo dài là điều tất yếu.

3. Biện pháp kiểm soát giận: 


  • Thở sâu (thở bụng) không đóng thanh quản: đồng thời buông lỏng cơ mặt, hàm, cổ ngực, tay chân…chỉ sau vài phút thở sâu, sự cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của thần kinh sẽ được tái lập. Trạng thái rối loạn lo âu, giận dữ, căng thẳng…sẽ dần mất đi.
  • Thư giãn (relaxation) hoặc Thiền định (meditation): nhằm dẫn ý nghĩ đến một bộ phận nào của cơ thể (điểm hưng phấn chủ động), cùng lúc xoá bỏ những cảm nghĩ mông lung (tạp niệm) quấy động tâm trí. Sức mạnh của ý nghĩ sẽ phát huy nhờ vào các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters) lưu hành khắp cơ thể: vì “ý đến đâu khí sẽ đến đó”.
  • Giữ thái độ tư duy tích cực, lạc quan trong cuộc sống.
  • Tập trung vào động tác: chú ý vào đôi chân (khi đi, chạy bộ), vào đôi tay (viết, quét dọn…)
  • Định vị, đóng khung vấn đề để giải quyết tình huống.
  • Kiểm soát quỹ thời gian, nhìn lại lối sống, tư duy tích cực, chọn loại hình tập thể dục phù hợp.


Lời kết:

Đa số bệnh phát sinh có căn nguyên rối loạn tâm lý (psychosomatic), khi không thể kiểm soát cảm xúc, buồn giận, lo âu, cơ thể sẽ mắc nhiều loại bệnh khó chữa thậm chí cả bệnh ung thư, tâm thần phân liệt, bệnh mạn tính không lây…cần tìm niềm vui, sống cảm thông, tư duy tích cực để có cảm xúc dương tính: cơ thể sẽ tạo ra chất nội tiết “hạnh phúc” (Happy hormone) như: dopamine, serotonin, oxytocine, endorphin…sẽ hạn chế được rất nhiều loại bệnh và chắc chắn chúng ta không rơi vào hoàn cảnh: “Giận quá mất khôn”.