Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

QUAN SÁT MẮT ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM BỆNH TIM MẠCH

QUAN SÁT MẮT ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM BỆNH TIM MẠCH
Bs. Trần Văn Năm

Một trong những kỹ năng để chẩn đoán bệnh của người thầy thuốc là quan sát những biểu hiện khác thường của người bệnh, nhưng chính bản thân của mỗi người đều có thể tự thực hiện kỹ năng này nếu chúng ta có ý thức chăm sóc bản thân mình.


Vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn thử đứng trước gương nhưng không không phải để chiêm ngưỡng vẻ đẹp trời cho mà hãy nhìn vào “cửa sổ tâm hồn” của mình: đó là đôi mắt (hình 1).

Bình thường, đặc biệt là mắt trẻ em hoặc người ở tuổi trưởng thành, giữa lòng trắng mắt (củng mạc, clera) và lòng đen (giác mạc, cornea) có một ranh giới đen trắng thật rõ ràng. Nếu bạn thấy ranh giới này không còn sắc nét mà xuất hiện một vết mờ có thể một phần hoặc cả chu vi của lòng đen (hình 2) đó là dấu hiệu “đục rìa giác mạc” mà thuật ngữ y học là “ Arcus senilis”.

Khi phát hiện dấu hiệu này, đặc biệt ở những ai từ 30 – 60 tuổi, thật không may vì bạn có nguy cơ của chứng “vữa xơ động mạch”, đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên: đột quỵ não (tai biến mạch máu não), nhồi máu cơ tim…, bạn cần phải thực hiện một số việc cần thiết sau:

- Xét nghiệm máu: tìm xem có rối loạn thành phần của mỡ trong máu không (cholesterol, triglyceride, HDL-c, LDL-c)?

- Siêu âm Doppler các động mạch:  cảnh ngoài, chủ bụng,  thận, chi…đặc biệt những ai có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, thừa cân béo phì, ít vận động…nếu có đau ngực đột ngột, chóng mặt, tê tay chân…cần tìm bác sĩ ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

- Điều chỉnh cân nặng nếu có chỉ số khối cơ thể (BMI) vượt ngưỡng cho phép.

- Thực hiện ngay lối sống hợp lý: hạn chế mỡ động vật, thịt đỏ (động vật bốn chân), lòng đỏ trứng, đường, muối; cần tăng cường rau, củ, trái cây…tập thể dục hợp lý (dưỡng sinh, yoga, đi bộ, thiền định…); bỏ thuốc lá; hạn chế rượu bia.

- Bổ sung các loại rau quả có tác dụng giúp ổn định mỡ máu, hạn chế cũng như ổn định mảng vữa xơ động mạch, chống kết dính tiểu cầu (loại tế bào máu gây tắc nghẽn động mạch): Nghệ vàng, nấm Mèo đen,Tỏi, rau Cần tây, trái Lựu, trái cây họ Quýt (Bưởi, Cam), Yaourt,…trong đó lưu ý hai loại Nghệ và nấm Mèo hiện được khuyên dùng thường xuyên.

o Nghệ: tên khác là Khương hoàng (thân rễ của Nghệ, tên khoa học: Curcuma longa L., họ: Zingiberaceae), hoạt chất là curcumin (trong đó curcumin I tên biferuloylmethan chiếm 60%) có tác dụng: chống oxyt hoá, kháng viêm, kháng khuẩn, giảm cholesterol và lipid máu toàn phần, lành vết loét, tăng cường lưu thông máu…dùng tươi (nấu cùng thức ăn khác) hoặc bột với liều từ 5 – 10 g ngày. 

o Nấm Mèo đen: tên La tinh: Auricularia polytricha (Mont.) Sacc.
Hoạt chất: polysaccharides chiếm 10% - 30% có tên tremella, trehalose, pentosan, mannitol như glycogen. 

Tác dụng chính: chống oxyt hoá, kháng tế bào ung thư, tăng cường sức đề kháng, hạ đường huyết, cải thiện hoạt động hệ tim mạch, tăng cường chuyển hoá, bảo vệ gan, chống lão hoá, cải thiện các triệu chứng do bệnh hệ thần kinh.
Chưa phát hiện độc tính.
Liều dùng: 10 – 20 g / ngày.

Tóm lại, chúng ta hãy dành một chút thời gian quan sát chính mình xem có  thay đổi gì không như ở tuổi đôi mươi, nhằm phát hiện sớm những rối loạn đã và đang xảy ra trong cơ thể và có kế hoạch đón nhận hoặc hành động kịp thời không để quá muộn màng.