LIỆT MẶT NGOẠI BIÊN CÓ THỂ CHỮA BẰNG CHÂM CỨU KHÔNG?
Liệt mặt ngoại biên là gì?
Liệt mặt ngoại biên (LMNB) còn gọi là liệt dây thần kinh số 7 hay Bell’s palsy (tiếng Anh), theo tên Charles Bell, nhà giải phẫu người Scotland ở thế kỷ thứ 19, người đầu tiên mô tả dây thần kinh này.
Gọi là liệt ngoại biên để phân biệt với liệt trung ương có nguyên nhân ở não bộ, trong bài viết này chỉ đề cập đến mặt ngoại biên vì bệnh thường gặp và có tỉ lệ lành bệnh cao.
Bệnh xảy ra khi thời tiết thay đổi nhanh từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, nhưng tại phía nam Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh nhiều vào những ngày tháng 11 đến tháng 2 Dương lịch hàng năm. Thời điểm khác trong năm vẫn có bệnh nhưng tỉ lệ bệnh thấp hơn.
Dây thần kinh số 7 đi qua ống xương trong sọ bên dưới tai đến chi phối cơ một bên mặt, bao gồm động tác nhắm và nháy mắt, biểu lộ cảm xúc như vui cười hay cáu giận. Thêm vào đó, dây thần kinh 7 còn chi phối tuyến nước mắt, nước bọt, và những cơ của các xương nhỏ của tai trong (xương bàn đạp) cũng như vị giác ở lưỡi. Nên khi bị tổn thương dây tk 7 xảy ra thì các bộ phận chịu sự chi phối của nó đều bị ảnh hưởng.
Bệnh LMNB có thường gặp không?
Theo Viện Sức khoẻ Quốc gia Mỹ (National Institute of Health, NIH), liệt mặt ngoại biên mỗi năm ảnh hưởng khoảng 40.000 nười Mỹ ở cả nam và nữ thường độ tuổi từ 15 – 60 tuổi, nhưng bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh.
Tại sao bị LMNB?
Nguyên nhân chính xác đến nay chưa rõ, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng viêm và phù nề dây thần kinh số 7 đóng vai trò chủ yếu, gây thiếu máu và oxygen đến nuôi dây thần kinh. Tổn thương có thể kết hợp với bệnh cúm hoặc giả cúm, đau đầu, viêm tai giữa mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm đường hô hấp trên kéo dài, ung bướu…
Làm thế nào để nhận biết bệnh LMNB?
Bệnh được chẩn đoán dựa chủ yếu vào sự khám xét của thầy thuốc là chính, đôi khi người bệnh có thể tự nhận biết hoặc nghi ngờ mình bị bệnh qua các biểu hiện như sau:
- mắt giật,
- liệt nhẹ hoặc hoàn toàn cơ một bên mặt (rất hiếm cả 2 bên),
- sụp mi mắt hoặc khoé miệng,
- chảy nước bọt tự động,
- khô mắt hoặc miệng,
- vị giác thay đổi,
- tăng tiết nước mắt,
- đau hoặc cảm giác khó chịu vùng xương gò má dưới mắt và sau tai,
- đau đầu,
- nhạy cảm với tiếng động,
- chóng mặt,
- giảm thính lực,
- nói kém lưu loát…
Các triệu chứng này xảy ra đầy đủ trong vòng 48 giờ.
Khi cần nghiên cứu hoặc những trường hợp người bệnh chậm hoặc phục hồi kém người thầy thuốc sẽ chỉ định thực hiện thêm các kỹ thuật cần thiết khác như: Đo điện cơ, chụp X-quang, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ…
LMNB có phải do tai biến mạch máu não hay thiếu máu não thoáng qua không?
Chắc chắn LMNB không phải do hai bệnh lý kể trên gây ra, và tiên lượng LMNB nói chung rất tốt. Sự cải thiện dần dần và thời gian hồi phục hồi rất thay đổi từng người.
Có điều trị hay không có điều trị, đa số triệu chứng sẽ tốt dần sau khoảng 2 tuần và vận động cơ mặt phục hồi lại chức năng của nó sẽ tốt nhất vào khoảng từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên trong vài trường hợp có sự phục hồi châm hàng năm và không hoàn toàn, thỉnh thoảng hiếm có trường hợp tái phát liệt cùng bên liệt cũ hoặc đối bên.
Điều trị liệt mặt ngoại biên như thế nào?
Theo Y Học Hiện Đại (YHHĐ):
- Thuốc chống viêm steroid (prednisone) để giảm viêm chống phù nề,
- Thuốc kháng virus (acyclovir) khi có bằng chứng nhiễm virus ( herpes, đậu mùa, herps zoster,…).
- Thuốc giảm đau (acetaminophen, aspirin, ibuprofen…) nếu có đau,
- Vitamin nhóm B.
- Lưu ý dùng dịch bôi trơn, làm ẩm tránh khô mắt gây nhiễm trùng mắt.
- Phẫu thuật thẩm mỹ , tiêm Botulinum toxin…đối với những trường bị co rút cơ mặt nhiều hoặc mắt nhắm không kín gây dễ nhiễm trùng, miệng di lệch gây khó khăn trong ăn uống, phát âm…
Theo Y Học Cổ Truyền (YHCT):
Châm cứu và thuốc YHCT được sử dụng hàng năm trong điều trị các chứng đau, liệt vận động… Thực tế cho thấy phần lớn người bệnh trong và ngoài nước ưa chuộng phương pháp điều trị dùng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên cũng như phương pháp không dùng thuốc trong đó có châm cứu được nhiều bệnh tìm đến với mong ước là rút ngắn thời gian phục hồi vận động cơ mặt. Như chúng ta biết, không có gì khổ tâm bằng khi một mắt nhắm không kín, không dám cười với bạn bè, người thân (miệng méo một bên), không biểu lộ được hết cảm xúc vui buồn trên khuôn mặt…
Người bệnh liệt mặt ngoại biên đến với các cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT, thường nằm trong 3 dạng theo tỉ lệ từ cao xuống thấp:
- Đang được điều trị thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh YHHĐ nhưng mong muốn nhanh phục hồi hoặc do phản ứng ngoại ý của thuốc kháng viêm, kháng virus…
- Quen dùng thuốc YHCT để chữa bệnh và quyết định chọn châm cứu để chữa bệnh,
- Điều trị thời gian dài bằng YHHĐ nhưng tình trạng liệt các cơ mặt phục hồi chậm.
Có nên chọn điều trị liệt mặt bằng châm cứu không?
Chúng ta nhìn lại các hiệu ứng của châm cứu đã được công bố và nhiều người đồng thuận:
Rõ ràng theo cơ chế bệnh của liệt dây thần số 7 ngoại biên: viêm, phù nề, chèn ép, đau thì rõ ràng châm cứu đã đáp ứng được yêu cầu điều trị bệnh liệt mặt.
- châm cứu có tác dụng giảm đau (kích thích sản sinh chất giảm đau nội sinh: chất bêta-endorphin),
- chống viêm tại chỗ (có tham gia của các tế bào bạch cầu, lympho bào, cytokine),
- tăng tuần hoàn máu nên oxygen và dưỡng chất đến tại vùng châm cứu nhiều hơn…
Rõ ràng theo cơ chế bệnh của liệt dây thần số 7 ngoại biên: viêm, phù nề, chèn ép, đau thì rõ ràng châm cứu đã đáp ứng được yêu cầu điều trị bệnh liệt mặt.
Xu hướng chung, theo NIH liệt kê các biện pháp điều trị LMNB bằng liệu pháp hỗ trợ như: vật lý trị liệu, xoa bóp, kích thích điện, vitamin nhóm B và có Châm cứu.
Hãng thông tấn Reuters cho biết Liệu pháp châm cứu tích cực giúp hồi phục liệt mặt ngoại biên. Những nhà nghiên cứu Đại học Harvard cũng ủng hộ quan điểm châm cứu trị liệt mặt vì họ đồng ý rằng khi kim châm sẽ giúp tăng tuần hoàn máu mang theo theo dưỡng chất, chống viêm tại chỗ vùng cơ mặt bị liệt nên giúp phục hồi được bệnh liệt mặt.
Qua trải nghiệm thực tế của nhiều thầy thuốc YHCT ở Việt Nam cho thấy sử dụng châm hoặc cứu càng sớm tỉ lệ phục hồi càng nhanh. Cho dù chưa có những đề tài nghiên cứu về chữa trị liệt dây thần kinh mặt bằng châm cứu được thiết kế tốt, đạt quy chuẩn cũng như chưa có sự đồng thuận cao giữa các thầy thuốc YHCT và YHHĐ trong điều trị bệnh liệt mặt ngoại biên, nhưng hiện tại sử dụng châm cứu trong điều trị liệt mặt đang được cộng đồng chấp nhận vì mong muốn là bệnh được phục hồi càng sớm càng tốt và rõ ràng nếu được châm cứu ở những thầy thuốc có đào tạo tốt sẽ đạt hiệu quả cao và rất hiếm khi gây biến chứng hay ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người bệnh.
Người LMNB cần chăm sóc gì?
- Giữ vệ sinh mắt: dùng chất làm trơn, nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý…để tránh khô mắt và hạn chế bội nhiễm mắt,
- Vệ sinh răng miệng: đặc biệt người cao tuổi và trẻ em, do không giữ được nước trong miệng nên lười chải răng, thức ăn ứ đọng bên má liệt…nên dễ bị viêm răng miệng, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể gây chậm phục hồi bệnh nói chung,
- Cần giải thích, động viên người bệnh an tâm để có sự phối hợp và tuân thủ điều trị của thầy thuốc, tỉ lệ lành bệnh sẽ cao hơn.