Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

HÃY THỬ MỘT LẦN LÀ NGƯỜI BỆNH

HÃY THỬ MỘT LẦN LÀ NGƯỜI BỆNH CỦA 
BỆNH VIỆN UNG BƯỚU TP. HỒ CHÍ MINH
(Người quan sát)

Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, một trong số ít bệnh viện chuyên khoa ung bướu có trình độ chuyên môn tốt nhất nước. Đến với Bệnh viện ung bướu người dân nhận được những gì? Chúng ta theo dõi một hành trình khám – chữa bệnh của một người không may mắc bệnh nan y này.

Đến với Bệnh viện người bệnh sẽ được:

- Đội ngũ thầy thuốc có trình độ và tay nghề giỏi khám và chữa trị,

- Bảo hiểm y tế sẽ chi trả toàn bộ hoặc một phần chi phí khám chữa bệnh – vật tư y tế tiêu hao, nếu người bệnh có tham gia mua bảo hiểm y tế.

Bên cạnh 2 thuận lợi ít ỏi trên, người bệnh và người thân cũng sẽ gặp phải không ít những phiền toái ngay từ phía ngoài cổng Bệnh viện:


- Nếu đi xe 2 bánh: nơi giữ xe chật chội, giá cả tuỳ tiện, thái độ hống hách,

- Nếu khám lần đầu hoặc điều trị ngoại trú, người bệnh sẽ choáng ngộp vì người đông vô số kể, như những nơi bán hàng hạ giá, khuyến mãi,…tại Khoa khám bệnh ngoại trú, các phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, khu hoá trị, xạ trị…thật là nhộn nhịp, “đông nhưng không vui”.

- Nếu cần phẫu trị: có đến 6 khoa ngoại, sẵn sàng đón tiếp người bệnh từ khâu tiền phẫu, phẫu thuật – gây mê hồi sức, đến hậu phẫu:

o Tại một trong số 6 khoa ngoại (Tiền phẫu): sau 1 – 2 ngày người bệnh được chuẩn bị cơ thể “sạch sẽ”, mặc đồng phục (không mới lắm), mọi người tập hợp khoảng 1 tiểu đội (12 – 15 người) để nghe lời hướng dẫn của một cô điều dưỡng (chắc chưa học kỹ càng Quy tắc ứng xử của ngành y) lời nói vừa nhanh, to vừa chói tai: nghe tôi nói cho kỹ…, không mang theo nữ trang…, đã nói tháo răng giả ra…xong chưa, im lặng đi theo tôi lên Phòng phẫu thuật, trông từ xa giống như các tù binh đang chuyển trại thời Phát – xít.

o Tại Phòng phẫu thuật – gây mê hồi sức: trong một không gian không đủ rộng, vài người bệnh có ghế để ngồi, phần đông được xếp ngồi bó gối trên 2 chiếc giường 80 cm x 180 cm, ai nấy im lặng trong một tâm trạng đầy lo lắng căng thẳng. Trong số người bệnh có đủ thành phần: thầy cô giáo, kỹ sư, y – bác sĩ, nông dân, nội trợ… nhưng không sao, tất cả đều được lạnh lùng đối xử công bằng như nhau, những người kém may mắn nên mắc bệnh trước và cần phải xử lý theo quy trình vận hành ổn định như trong các “trại mổ” công nghiệp hiện đại. Trông mà không cầm được nước mắt. Trên bàn mổ, khi mà người bệnh trong trạng thái hôn mê sẽ giao phó cơ thể, tính mạng của mình cho tấm lòng hào hiệp và bàn tay vàng của các phẫu thuật viên đáng kính.

o Bên ngoài phòng phẫu thuật: mọi người chăm chú theo dõi bảng điện tử, nếu thấy tên người bệnh, tên khoa, giờ phẫu thuật xong là người thân bên ngoài mừng mà lệ cứ rơi.

o Phòng hồi sức: nếu cuộc phẫu thuật suôn sẻ, người bệnh sẽ nằm lại phòng hồi sức 1 đêm. Người thân sẽ chen chúc nhau ngủ ngồi trên các bậc cầu thang (lên hội trường). Khoảng 9 giờ sáng hôm sau một cô hộ lý đẩy 2 chị em (hoặc 2 anh em) trên 1 chiếc băng ca (stretcher) cũ từ phòng hồi sức xuống phòng mổ và người nhà sẽ được huy động để đếm 1…2…3… khiêng người bệnh vừa mổ vào phòng hậu phẫu nằm chờ chăm sóc.

o Người thân của người bệnh: Hành trình của người bệnh là vậy đó, còn người thân ra sao? đơn giản thôi, từ 7 g 30 đến 10g 30 sáng các anh bảo vệ sẽ mời hết mọi người xuống sân vườn để hít thở bầu không khí đầy khói thuốc lá. Buổi trưa hoặc đêm về, họ sẽ chia lãnh thổ ngoài hành lang, bậc thềm, vỏn vẹn bằng một tờ báo hay chiếc chiếu, ngay cả chỉ gối đầu trên chiếc ba lô, chờ khi cần thiết vào phòng để chăm sóc người thân.

Tỉnh dậy, vã mồ hôi mới biết được cuộc hành trình trên chỉ là một cơn ác mộng. Mong rằng nó không phải là cuộc sống hiện thực, để mọi người bệnh sẽ vừa chữa được cái “đau” vừa được chữa cả nỗi “khổ” do kém may mắn mà “đau khổ” trước những người chưa bệnh.