Y HỌC CÁ NHÂN HOÁ (PERSONALISED MEDICINE)
CÁCH TIẾP CẬN CỦA Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY
Bs. Trần Văn Năm
Khi tiếp xúc người bệnh, thầy thuốc thường tập trung tìm và chữa “cái bệnh” mà ít chú ý đến “người đang mang bệnh”. Vì thế, kế hoạch trị liệu thường dựa vào một phác đồ đã đăng ký, soạn sẵn. Tuy nhiên, con người gắn liền với các mối liên hệ bên trong cơ thể (nội môi) và bên ngoài môi trường cũng như gia đình – xã hội (ngoại môi) và đặc điểm gene của mỗi người khác nhau nên cách phản ứng với các tác nhân gây bệnh cũng khác nhau. Cùng tiếp xúc với một tác nhân gây bệnh nhưng biểu hiện khác nhau giữa người này và người khác: tăng tiết mồ hôi – không mồ hôi; mạch nhanh - mạch chậm, táo bón – tiêu chảy; sợ nóng – sợ lạnh; huyết áp cao – huyết áp thấp…
Do đó, nếu sử dụng chung một phác đồ điều trị cho tất cả mọi người bệnh sẽ không phù hợp. Nên hiện nay, quan điểm “y học cá nhân hoá” được chú ý nhằm đạt mục tiêu chăm sóc tốt nhất cho sức khoẻ người bệnh. Tuy nhiên, cách tiếp cận với y học cá nhân có khác nhau giữa Phương Đông và Phương Tây.
Cách tiếp cận bệnh của Y học Phương Tây:
- Dựa vào kết quả nghiên cứu trên quần thể (Cohort study) trong cộng đồng, với số lượng lớn những người cùng mắc một chứng bệnh,
- Sử dụng “đại lượng bình quân” từ kết quả nghiên cứu về mặt thống kê, chỉ số bệnh tật trung bình và bỏ qua những nhân tố đặc thù (không đại diện) của từng cá thể.
- Chẩn đoán dựa vào kết quả của phương tiện hiện đại: xét nghiệm máu, nước tiểu, dịch thể, chẩn đoán hình ảnh…
- Phân tích cấu trúc của bộ gene của từng người nhằm dự báo tình trạng bệnh trong tương lai và điều trị trúng đích.
- Điều trị: những người mắc cùng một loại bệnh sẽ được điều trị theo một phác đồ quy ước với các thuốc phần lớn giống nhau.
Cách tiếp cận bệnh của Y học Phương Đông:
- Dựa vào triết học Phương Đông: quy luật Âm – Dương, Ngũ hành; triết lý: “không có bệnh mà chỉ có người bệnh”, Con người là “tiểu vũ trụ”…
- Thể hiện “y học cá nhân hoá” dựa vào nguyên tắc “Biện chứng luận trị”: tuỳ theo đặc điểm cụ thể về tình trạng bệnh, thể chất người bệnh mà dùng thuốc điều trị có khác nhau. Biện chứng nghĩa là “biện biệt” để xác định được “chứng”. Biện là phân tích, biện biệt là nhận biết.
- Nhận thức: chứng không là triệu chứng đơn thuần, chính là trạng thái tổng quát về tình trạng bệnh: tinh, huyết, khí, thần, tân dịch ra sao; cơ quan tạng phủ nào bệnh? Các bộ phận khác có liên quan?,chứng còn được gọi là chứng hậu, “hậu” nghĩa là tình hình tổng quát.
- Dựa vào trực quan, kinh nghiệm: Tứ chẩn, các bước của biện chứng:
- Bước 1: tìm hiểu tình trạng biểu – lý , hư - thực , âm – dương, hàn – nhiệt của bệnh.
- Bước 2: biện chứng cầu nhân, nghĩa là phân tích biện biệt các chứng trạng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh (cầu nhân): lục dâm, nội nhân, bất nội ngoại nhân.
- Không tách rời cái bệnh và người bệnh: vì bệnh chỉ là một biểu hiện bên ngoài của rất nhiều rối loạn bên trong của cơ thể do: xáo trộn tâm lý, ô nhiễm môi trường (thời tiết khắc nghiệt, độc chất, vi khuẩn – virus), biến dị gene, lối sống sai lầm, lao động sai tư thế…
- Điều trị: gọi là “thi trị” tức dựa vào cơ sở của biện chứng để đưa ra nguyên tắc chữa bệnh. Biện chứng luận trị khác với đối chứng trị liệu (chữa triệu chứng: có sẵn phác đồ dùng chữa cho nhiều người cùng mắc một bệnh).
- Sử dụng thuốc khác nhau giữa hai người cùng mắc một chứng bệnh trên cơ sở liệu pháp tổng hợp từ: sinh dược (cây - con làm thuốc), tâm dược, thay đổi lối sống, tập luyện,
- Huy động tiềm năng tự điều chỉnh của cơ thể; hạn chế thuốc đưa từ ngoài vào; thầy thuốc chỉ là người hỗ trợ và người bệnh phải đóng vai trò chính trong điều trị (hiểu biết bệnh để hợp tác với thầy thuốc).
Tóm lại, Y học cá nhân hoá nhằm mục đích tăng hiệu quả tối ưu trong phòng, trị bệnh và đặc biệt phù hợp với từng cá thể người bệnh. Mặc dù cách tiếp cận của hai nền y học Phương Đông và Tây có khác nhau, nhưng xem ra Y học Phương Đông đã khởi xướng từ hàng ngàn năm nay rồi. Hiện nay, Y học cá nhân hoá là xu hướng đúng cho sự phát triển của nền y học tiến bộ.