Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Cảnh giác với các thuốc Xương khớp

CẨN TRỌNG VỚI CÁC THUỐC TRỊ ĐAU NHỨC XƯƠNG KHỚP
Bs. Trần Văn Năm

Số người bị đau nhức khớp – xương đến khám tại các phòng khám Đông hoặc Tây y hiện chiếm tỉ khá cao (hơn 60%).



Vì sao người bị bệnh xương khớp ngày càng cao?

Các bệnh xương – khớp do viêm hoặc kết hợp viêm – thoái hoá, loãng xương thường hay gặp nhất. Ngoài yếu tố di truyền, chủng tộc, tuổi già…chiếm tỉ lệ thấp. Nguyên nhân phần lớn do:

  • Thức ăn – nước uống: bị nhiễm độc (dư lượng hoá chất, kim loại nặng), ăn nhiều thức ăn chế biến không khoa học (thức ăn nhanh, dầu, mỡ, nướng, chiên xào ở nhiệt độ quá cao).
  • Sử dụng quá nhiều đường tinh chế,
  • Uống rượu bia quá độ,
  • Hút thuốc lá số lượng nhiều và từ khi còn quá trẻ…
  • Môi trường ô nhiễm, khí hậu không thuận lợi
  • Thừa cân – béo phì…

Chữa trị như thế nào?

Để điều trị cần điều chỉnh lối sống (lao động đúng tư thế, ăn uống hợp lý, tránh các yếu tố nguyên nhân kể trên), uống thuốc đúng và phù hợp với bệnh. Tuyệt đối không nên tự ý hoặc nghe theo sự mách bảo của những người không có chuyên môn.

Hiện thị trường có nhiều loại thuốc cũng như không phải thuốc được bán khá tự do, không cần phải kê đơn.

  • Thuốc Tân dược: tác dụng nhanh, hiệu quả nhưng có nhiều phản ứng ngoại ý, cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
  • Thuốc Đông dược: thuốc đông dược đơn thuần không thể có hiệu quả ngay, tác dụng giảm đau – kháng viêm chậm, ít phản ứng ý. Sử dụng loại thuốc gì  tùy thuộc vào thể tạng của mỗi người (hàn – nhiệt – hư – thực – cơ quan bệnh…).

Cần cảnh giác:

Cần luôn cảnh giác với các thuốc tuy được giới thiệu là Đông dược (thuốc nam) nhưng lại có hiệu quả giảm sau vài giờ, vài lần uống thuốc… thì chắc chắn là có pha lẫn các chất giảm đau tân dược. Nếu uống nhiều ngày sẽ ảnh hưởng xấu trên tim mạch, gan, thận, dạ dày… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.