Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Hội Nghị APEC về y tế 2017



VIỆC CẦN LÀM NGAY
QUA HỘI NGHỊ APEC 2017 VỀ Y TẾ

Trần Văn Năm

Ngày 24/8/2017 tại Tp.HCM, cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về y tế và tài chính trong khuôn khổ chương trình hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3= Third Senior Official’s Meeting) diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái bình dương 2017 (APEC = Asia-Pacific Economic Cooperation). Kết quả Hội nghị bước đầu thống nhất 2 vấn đề y tế hiện nay và tương lai:


  • “xác định những giải pháp, chính sách phù hợp để xây dựng tài chính y tế bền vững cho sức khoẻ công đồng, tiến tới bao phủ sức khoẻ toàn dân”. 
  • “cần tập trung chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm, tăng cường phòng chống lao – lao kháng thuốc và bệnh ung thư ”. 

Xem ra cả 2 vấn đề trên hiện nay y tế Việt Nam có khó khăn, có thể cần điều chỉnh một số vấn đề sau:

  • Để “Xây dựng tài chính y tế bền vững cho sức khoẻ công đồng, tiến tới bao phủ sức khoẻ toàn dân”: nội dung này liên quan đến các chính sách Bảo Hiểm Xã Hội và Y Tế. Hiện nay, khi tỉ lệ người nghèo và cận nghèo tại nước ta còn chiếm tỉ lệ khá cao nên khả năng tất cả mọi người tham gia mua BHYT để “tiến tới bao phủ sức khoẻ toàn dân” theo HN. APEC không thể sớm thành hiện thực được. Lĩnh vực này  thuộc tầm vĩ mô, cần sự ra tay của nhiều bộ, ban, ngành.    
  • Tiến tới “Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (Non-communicable diseases = NCDs), chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, phòng bệnh lao và ung bướu”: Nội dung này liên quan chặt chẽ đến y tế dự phòng (preventive health services) và chăm sóc sức khoẻ ban đầu (primary health care). Hai lĩnh y tế trên không cần thiết tập trung tất cả người bệnh vào trong bệnh viện, nơi vừa chật chội vừa không cần thiết, chỉ nên thực hiện tại các tuyến y tế cơ sở (khám phát hiện và điều trị khi bệnh còn ở giai đoạn đầu) và/hoặc các Câu lạc bộ Người cao tuổi - Phụ  nữ - Thanh niên – Dưỡng sinh…qua các buổi nói chuyện về sức khoẻ, hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt phổ biến phong trào rèn luyện sức khoẻ để tăng cường sức đề kháng và huy động khả năng tự điều chỉnh của cơ thể, đây là việc làm của Bs. Nguyễn Văn Hưởng (Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) và các công sự đã thực hiện từ hơn 40 năm qua. Phương pháp tập Dưỡng sinh của Bs. Nguyễn Văn Hưởng đã từng được triển khai đến phường – xã tại Tp. HCM và các Tỉnh vào những năm 80. Phương pháp DS có tác dụng phòng và trị bệnh từ tinh thần đến cơ thể (kiểm soát stress, tăng cung cấp oxygen đến tế bào, ổn định huyết áp – lượng đường – mỡ trong máu, cơ – xương – khớp dẻo dai…) rất phù hợp cho đối tượng người cao tuổi và bệnh mạn tính không lây. Tuy nhiên, hiện nay Phương pháp rèn luyện này không phát triển được vì thiếu nhân lực và phần nào không phù hợp với nội dung Tài chính – Y tế.


Ngoài Y Tế Dự Phòng (cần Vaccine chất lượng, vệ sinh cá nhân – môi trường tốt, thực phẩm không độc hại…), rất cần phải phát huy tối đa khả năng của Ngành YDCT Việt Nam đã tồn tại nhiều ngàn năm qua và có hiệu quả thực sự trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Việc cần làm ngay: 

  • Phát triển Y Học dự phòng cần song song với Y Học điều trị, vì dự phòng tốt sẽ giảm nhẹ gánh nặng của điều trị (giảm tải bệnh viện, giảm chi phí). 
  • Phát huy thế mạnh YDCT và kết hợp hài hoà với Y Học Hiện Đại, sẽ giải quyết được mục tiêu chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi và phòng bệnh mạn tính không lây. Ngành Y Dược Cổ Truyền (YDCT), từ phương pháp không dùng thuốc (Châm cứu, Xoa bóp – day ấn huyệt, Dưỡng sinh, Yoga, Thái cực quyền,…) đến dùng thuốc có nguồn gốc  thiên nhiên, đặc biệt là thuốc Nam (phát triển sẵn hoặc trồng ở Việt Nam): dễ tìm, gần người, phần nào kiểm soát được chất lượng và ít phải lo thuốc giả.