Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

Ăn uống thế nào để ngày Tết vui

ĂN THẾ NÀO ĐỂ TẾT VỪA VUI – KHOẺ 
VỪA PHÒNG ĐƯỢC BỆNH

Bs. Trần Văn Năm

1. TẬP TỤC NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN:

Tết đến xuân về nhà nhà người Việt cả trong và ngoài nước, không thể thiếu: nồi thịt kho tàu với trứng, thịt heo ngâm giấm, bánh mức thật ngọt ngon, rượu bia, nước ngọt… và bao nhiêu thứ nữa để cả gia đình sum vầy, dâng cúng tổ tiên “thưởng thức”. Đây chính là nét đẹp văn hoá Việt Nam rất đáng trân trọng và bảo tồn.


Tuy nhiên, đó chỉ là nhu cầu truyền thống, thói quen của một tập thể (gia đình, người thân, bạn bè) chớ không phải của một cá nhân hay vài người. Thực tế, nhu cầu của mỗi người chúng ta không cần nhiều như thế.

Với các món ngon kể trên nếu chúng ta đưa vào cơ thể với số lượng nhiều, chắc chắn sẽ gây tác hại nhiều hơn là lợi, đặc biệt với người cao tuổi có bệnh mạn tính: rối loạn lipid máu, thừa cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout,…

Để xuân về mà vẫn giữ sức khoẻ ổn định thì chúng ta cần điều chỉnh lại cách chế biến thức ăn, chọn nguyên liệu và cách ăn sao cho không ảnh hưởng xấu sức khoẻ.

2. CÁCH ĂN VÀ CHỌN NGUYÊN LIỆU PHÙ HỢP TỰ NHIÊN:

Nguyên tắc ăn uống để có sức khoẻ:
- Chế biến thức ăn: không sử dụng mỡ, đường tinh chế (đường trắng, đường phèn), giảm muối, hạn chế bột nêm, không đun các loại dầu ở nhiệt độ quá cao,…
- Chọn nguyên liệu: ưu tiên thực vật, gạo lứt hoặc gạo không chà xát quá kỹ, bánh mì đen. Hạn chế thịt đỏ (con 4 chân), thịt nhiều mỡ, bánh mì trắng,
- Cách ăn: ăn chậm, nhai kỹ. Đặc biệt quan trọng, nên ăn rau, đậu, củ (tươi sống hoặc không nấu quá chín, để không làm mất vitamin và các hoạt chất có lợi), trái cây trước khi ăn cơm (hoặc nuôi, miến, hủ tiếu…),
- Không uống nhiều nước: (kể cả nước canh) ngay sau khi ăn, hạn chế tối đa rượu bia, nước có gaz, không uống nhiều các loại nước trong bữa ăn,
- Không ăn quá no, đặc biệt buổi tối.

(Các món ăn từ nguyên liệu thực vật)

3. LỢI ÍCH CỦA CÁCH ĂN UỐNG PHÙ HỢP TỰ NHIÊN:

- Bảo tồn được nguồn men và nguồn năng lượng trong cơ thể, vốn sẽ bị mất đi nếu chúng ta ăn quá dư lượng thức ăn so với nhu cầu.
- Giúp thanh lọc cơ thể hiệu quả, dự trữ được nguồn năng lượng cho tế bào của các cơ quan bộ phận, đặc biệt là não bộ.
- Hệ tiêu hoá làm việc hiệu quả: giữ các chất cần thiết và thải ra ngoài chất cặn bã, cơ thể không bị nhiễm độc. Hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn vì khoảng 70% tế bào miễn dịch nằm ở đường ruột.
- Phòng được các bệnh nhiễm khuẩn và bệnh mạn tính không lây (thừa cân, ung thư, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, một số bệnh xương khớp…).
- Chống lão hoá, hạn chế già trước tuổi.

Kết luận: Ai trong chúng ta cũng thích ăn ngon, tuy nhiên ăn “ngon” nhưng nhận lấy sức khoẻ “dỡ” là điều không ai muốn. Để thay đổi thói quen và khẩu vị ăn uống đã hình thành qua nhiều thế hệ không thể một sớm một chiều, nhưng muốn đạt mục tiêu “sống vui sống khoẻ” chúng ta hãy bắt đầu từ bây giờ không để quá muộn, một câu nói luôn đúng: “Bệnh vào từ miệng”.