TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG PHÒNG DỊCH BỆNH:
“ĐÓI ĂN RAU”
Bs. Trần Văn Năm
Thật không sai khi nói rằng Ông bà ta “thông minh hơn ta tưởng”. Với ba từ ngắn gọn “Đói ăn rau” bao hàm 2 nội dung lớn của một nền y học tiến bộ: một mang ý nghĩa phòng bệnh và một khẳng định kiến thức dược học thượng thừa.
Khi khoa học công nghệ phát triển không ngừng, buộc chúng ta phải sống nhanh – sống vội, chạy đua với thời gian… và hậu quả là lối sống thay đổi rất nhiều so với nhiều chục năm trước đây.
1. Lối sống của “thời đại tân kỳ”:
- Ít đi trên đôi chân, tận dụng thang máy, thang cuốn, xe cơ giới, phi cơ…
- Ăn thức ăn nhanh, chế biến sẵn, hàng quán và ít tự nấu tại nhà,
- Sử dụng nhiều thức ăn từ động vật, dầu béo, đường tinh chế, ít rau củ,
- Chung sống với môi trường ô nhiễm trầm trọng.
Dẫn đến nhiều hệ lụy vô cùng nan giải.
2. Tăng chóng mặt “các bệnh thời đại”:
- Thừa cân – béo phì, tăng huyết áp (thậm chí tăng huyết áp kháng trị), đái tháo đường, xơ mỡ động mạch (đột quỵ não, đột quỵ tim),
- Stress, rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt,
- Bệnh ung bướu tăng vượt khả năng dự phòng và chữa trị…
3. Ý nghĩa phòng bệnh và dược học của “Đói ăn rau”:
Sống không thể thiếu ăn, khi đói tức sức khỏe bình thường hay có bệnh cũng còn nhẹ. Câu nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên thực hiện từ lúc chưa phát bệnh và thực hiện ngay bằng việc chọn rau làm thức ăn. Vì rau chứa rất nhiều chất có dược tính mà thức ăn khác không có được:
- Nhiều loại vitamin, chất diệp lục tố (chlorophyll), carotenoid, xanthophyll, flavonoid, khoáng và nguyên tố vi lượng. Các chất này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể.
- Chất xơ tan (lên men được), xơ không tan (lên men một phần hoặc không lên men được). Chất xơ có trong rau xanh, trái cây, các loại hạt, đậu, khoai lang, carrot, cỏ lúa mì, yến mạch…
- Vai trò của chất xơ:
o Giúp đồng nhất khối phân,o Điều hòa nhu động ruột (chống táo bón)o Tạo ra acid béo chuỗi ngắn (cung cấp dưỡng chất cho màng nhày của niêm mạc ruột; ổn định pH của đại tràng; giúp phát triển lợi khuẩn; cải thiện chuyển hóa chất đường, béo); Cải thiện sức đề kháng: phòng bệnh virus – vi khuẩn,o Phòng bệnh viêm đại tràng, ung bướu (đại tràng, vú…), trĩ, túi thừa, suy giãn tĩnh mạch,o Phòng bệnh thời đại: thừa cân – béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…
4. Cách ăn rau để có hiệu quả phòng bệnh:
Ăn rau cần tuân thủ “nguyên tắc vàng” dưới đây:
- Tươi, mới, sạch
- Đủ màu sắc: đỏ, xanh, vàng, đen, trắng, tím…
- Không nấu, luộc quá chín,
- Ăn chậm, nhai kỹ
- Nếu được, nên ăn rau – trái cây vào đầu bữa ăn, nhằm cơ thể hấp thu tốt hoạt chất có trong rau – trái.
Lời kết:
Nói đến phòng và chữa bệnh, ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thực vật nên chiếm khoảng 2/3 khẩu phần, cách chế biến không quá cầu kỳ, hạn chế dầu béo và đường tinh luyện, ăn chậm nhai kỹ… chắc chắn hiệu quả phòng bệnh của “đói ăn rau” không có gì phải bàn cãi!
(Phần tiếp theo: Tại sao “không đói cũng ăn rau”)