Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Khi Nào Chóng Lên Thiên Đàng

 

KHI NÀO CHÓNG LÊN THIÊN ĐÀNG

Bs. Trần Văn Năm

Thiên đàng là nơi đến của tất cả chúng ta, khi ai đó chỉ thở ra mà không thở vào nữa, cuộc sống kết thúc. Đã được sinh ra, ai cũng mong muốn được sống càng thọ càng tốt. Tuy nhiên, nếu do mắc phải bệnh hiểm nghèo, hoặc bệnh khó chữa chắc chắn tuổi đời sẽ ngắn hơn những người may mắn không bị bệnh quá sớm. Dưới đây là một số “cơ hội” sớm đưa ai đó chóng lên Thiên đàng:

  1. Môi trường làm việc ô nhiễm, khí hậu khắc nghiệt, lao động nặng nhọc và điều kiện làm việc không đáp ứng vệ sinh lao động tốt.

  2. Ăn uống không hợp lý: “Bệnh tòng khẩu nhập”


  • Thường xuyên ăn thức ăn nhanh, chế biến sẵn (nhiều chất béo, đường, chất bảo quản), uống nhiều nước có gaz, bánh, kẹo…




(Thịt nướng, xúc xích, trứng chiên bơ)


  • Thành phần không cân đối: nhiều sản phẩm từ động vật (kể cả sữa), nhiều chất béo, không đủ lượng rau – trái cây, không đa dạng thành phần (ăn đơn điệu kéo dài),

  • Nhiều gia vị: quá cay, quá ngọt, quá mặn…

  • Thói quen xấu: hút thuốc lá, rượu bia quá độ.

  1. Uống cùng một lúc nhiều loại thuốc chữa bệnh:

  • Đây là trường hợp Người bệnh nữ, sinh năm 1949. Phải theo Toa thuốc như sau trong 1 tháng và còn tiếp tục toa khác nữa:

    • Sáng: uống 10 viên thuốc (nang cứng, bao phim);

    • Trưa: uống 8 viên;

    • Tối: uống 10 viên.



  • Rất nhiều trường hợp mắc nhiều bệnh cùng một lúc phải đếm thuốc hàng ngày để uống, với thời gian tính bằng năm.

  1. Sống không lành mạnh, không phù hợp tự nhiên: lấy đêm làm ngày, thiếu vận động thể lực, thiếu thời gian “lắng nghe cơ thể”, stress kéo dài…

Những lời khuyên hữu ích giúp chậm lên “Thiên đàng”:

  • Ngành y tế cần quan tâm phát triển Y Học Phòng Bệnh, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chăm sóc sức khỏe, không chỉ tập trung Y Học Điều Trị vì chỉ giải quyết được phần ngọn mà không giải quyết phần gốc. Bác sĩ có thể chữa “cái đau” nhưng cũng cần quan tâm một chút đến “cái khổ”,“cái khổ” làm nặng thêm “cái đau”: không nên tiếc một ánh mắt cảm thông, một lời nói nhẹ nhàng…

  • Thuốc chỉ là một phần của trị liệu: khi đứng ở ranh giới giữa cái sống – chết, thuốc sẽ là chủ lực, nhưng qua giai đoạn “thập tử nhất sinh”: ăn uống khoa học là quyết định, tập luyện phục hồi, ý chí quyết tâm không thể thiếu.

  • Có như thế con đường lên “Thiên đàng” sẽ có nhiều hoa thơm cỏ lạ và nhất thiết không phải “đi tắt đón đầu”, kẻo đi nhằm xuống “Hỏa ngục”.