Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Đông Y phòng nghẽn mạch máu (phần 2)

ĐÔNG Y (ĐY) PHÒNG NGHẼN MẠCH MÁU Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Bs. Trần Văn năm
Theo phần 1, hậu quả nguy hiểm của đông máu là tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, nghẽn mạch chi…Biện pháp dự phòng là cách chữa trị hiệu quả và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình cũng như xã hội.

1.    Can thiệp vào yếu nguy cơ: biện pháp không dùng thuốc và thay đổi lối sống
  • Uống đủ nước khoảng 1,5 – 2 lít nước sạch mỗi ngày.
  • Bỏ hút thuốc lá, hạn chế tối đa uống rượu – bia.
  • Kiểm soát cân nặng, không thừa cân – béo phì.
  • Không ăn quá ngọt hoặc quá mặn để phòng bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, vữa xơ động mạch.

  • Tuân thủ chặt chẽ điều trị để có chỉ số huyết áp và đường huyết ở mức tối ưu,
  • Sau 25 tuổi nên có khẩu phần ăn giảm thức ăn động vật và tăng cường rau – củ - quả, tránh táo bón.
  • Tập thể dục vừa sức, đều đặn kết hợp thở sâu, xoa bóp, hạn chế lối sống tĩnh tại ít vận động…nhằm tăng cường lưu thông của máu (xem thêm Bài Làm cách nào xoa bóp nội tạng).
  • Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh van tim, loạn nhịp tim, dị dạng động mạch), hội chứng chuyển hoá.
2.   Sử dụng thuốc ĐY: các dược liệu và bài thuốc có tác dụng kiểm soát đông máu, tăng tuần hoàn bàng hệ gọi liệu pháp “hoạt huyết và hoá ứ”. Gồm các dược liệu trên thực nghiệm và lâm sàng cho kết quả: kiểm soát được kết dính tiểu cầu, giảm độ nhớt của máu, phát triển mạch máu phụ (tuần hoàn bàng hệ), kháng viêm, ổn định nội mạc mạch máu, cải thiện trương lực mạch máu, giảm fibrinogen. Các vị thuốc và bài thuốc phổ biến hiện nay:
  • Thuốc Nam (cây thuốc có ở Việt Nam): Nấm mèo đen (Auricularia Polytricha), Ích mẫu (Coleus aromaticus Benth), Kê huyết đằng (Sargentodoxa cuneata Rehd. Et Wils), Uất kim (Radix Curcumae longae), Cỏ Roi ngựa (Verbena officinalis L.), Mần tưới (Eupatorium staechadosmum Hance), Nghệ vàng (Curcuma longa L.), Tô mộc (Caesalpinia sappan L.), Nga truật (Curcuma zedoaria. Rosc.), vỏ Cây Gạo (Gossampinus malabarica Merr.), Cỏ Xước (Achyranthes aspera L.),…
  • Thuốc Bắc (cây thuốc phát triển ở Trung quốc): Đan sâm (Salvia multiorrhiza Bunge.), Xuyên khung (Ligusticum walli chii Franch), Tam thất (Panax Pseudo-ginseng F.H.Chen.), Nhũ hương (Boswellia carterii Birdw, Pistacia lenticus L.), Một dược (Commiphora myrrha Engl., Balsamodendron ehrenbergianum Berg.), Hổ trượng (Radix Polygoni cuspidate), Đào nhân (Semen Persicae), Hồng hoa (Carthamus tinctorius L.), Ngũ linh chi (Trogopterus xanthipes Milne, Edwards), Xuyên ngưu tất (Achyranthes Bidentata Blume)…
  • Bài thuốc: Đào nhân thừa khí thang, Huyết phủ trục ứ thang, Bổ dương hoàn ngũ thang, Đào hồng tứ vật thang…

Cần lưu ý: chọn vị thuốc hoặc bài thuốc sẽ tuỳ theo thể trạng, giai đoạn bệnh. Để tăng tác dụng chống nghẽn mạch máu ĐY luôn kết hợp với liệu pháp điều hoà trương lực mạch máu (hành khí , thường là các vị thuốc cay ấm, có chứa tinh dầu). Khi sử dụng lâu ngày thuốc chống nghẽn mạch máu có nguy cơ chảy máu nên người thầy thuốc ĐY thường dùng kèm thuốc ổn định chất lượng máu (Bổ huyết).