Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Điều trị bệnh Gout bằng YHCT

ĐIỀU TRỊ BỆNH GOUT KHÔNG CHỈ BẰNG:
COLCHICINE HOẶC ALLOPURINOL

BS. Trần Văn Năm

Nhận biết tăng acid uric máu: ngoài biểu hiện đau khớp để chẩn đoán chính xác cần xét nghiệm máu:

  • Bình thường acid uric trong máu được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7, 0 mg/dl (420 micromol/l).
  • Tăng acid uric máu khi: 
    • Nam là trên 7,0 mg/dl (hay trên 420 micromol/l)
    • Nữ trên 6, 0 mg/l (360 micromol/l).


Tại sao acid uric trong máu tăng? Đôi khi không tìm được nguyên nhân, nhưng có thể gặp trong các nguyên nhân sau:


Nhóm nguyên nhân thường gặp: do đưa vào cơ thể quá nhiều chất dinh dưỡng có chứa nhân purine và / hoặc :

Thận giảm thải acid uric:

  • Bệnh tại thận (viêm thận, bệnh thận mạn tính),
  • Bệnh Vẩy nến (do tế bào da bị liên tục thay thế), thuốc gây độc tế bào (hoá – xạ trị liệu), 
  • Những người mắc các bệnh mạn tính không lây như có liên quan tăng acid uric máu:
    Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch và suy tim sung huyết, những người bị hội chứng chuyển hóa. 

Tổn thương chức năng vận chuyển acid uric qua ống thận:

  • Do thuốc: thiazides (thuốc lợi tiểu hạ áp), aspirin liều thấp,
  • Tăng acid lactic máu (thiếu oxy, suy chức năng gan, nghiện rượu),
  • Tăng ketoacidemia máu (nhiễm toan do đái tháo đường, đói lả),
  • Đái tháo nhạt (Diabetes insipidus do đề kháng vasopressin),

Nhóm nguyên nhân hiếm gặp hơn:

  • Tăng sản xuất purine: vô căn, thiếu một loại men chuyên biệt (xanthine oxidase) nên không chuyển hóa được các chất có nhân purine (h/c Lesch-Nyhan, bệnh dự trữ glycogen).
  • Tăng sự ly giải của purine: Rối loạn tăng sinh tủy (Myeloproliferative disorders), Rối loạn tăng sinh mô bạch huyết (Lymphoproliferative disorders), Ung thư mô liên kết và ung thư biểu bì (Carcinoma and sarcoma), Thiếu máu tán huyết mạn tính.

Liệu trình điều trị bằng y dược cổ truyền (YDCT): 

Bệnh Gout do rối loạn hoạt động chuyển hoá (đồng hoá – dị hoá) các chất đường – đạm – béo – nước – vitamin – khoáng chất…, thuộc hệ thống Tỳ - Vị (hành Thổ theo ngũ hành) liên quan trực tiếp hệ tiêu hoá (gan, mật, dạ dày, tuỵ, ruột già, ruột non). Thuốc YDCT tập trung tái lập cân bằng của hệ Tỳ - Vị, đồng thời kết hợp điều chỉnh các hệ thống chức năng khác bị ảnh hưởng (trong tương quan sinh – khắc của thuyết Ngũ hành), cụ thể:


  • Hành Hoả (phản ứng viêm, tuần hoàn máu và dịch thể),
  • Hành Mộc (khớp, gân, dây chằng, dẫn truyền thần kinh) 
  • Hành Kim (Hệ miễn dịch, hệ vi sinh vật có lợi đường ruột, cung cấp và hấp thu oxy), 
  • Hành Thuỷ (thận - tiết niệu, xương, nội tiết, gene). 


Một chế phẩm hay bài thuốc phải đáp ứng các tác dụng sau:


  • Cân bằng hoạt động chuyển hoá các chất (Đảng sâm, Bạch truật, Bạch linh, Sa nhân),
  • Chống viêm (Kim ngân hoa, Bồ công anh) tăng tuần hoàn thể dịch (thuốc hoạt huyết: Kê huyết đằng, Ngưu tất), hạ nhiệt (Ké đầu ngựa, Tang ký sinh, Sài đất),
  • Khôi phục tính đàn hồi, khả năng vận động của cơ – gân – dây chằng và dẫn truyền của thần kinh ngoại biên (collgen, nguyên tố vi lượng, vitamin), 
  • Tăng cung oxy tế bào, mô, điều biến hệ miễn dịch (Hà thủ ô, Linh chi, Nhân sâm, Xuyên khung, probiotic),
  • Ổn định khả năng thanh thải của hệ tiết niệu, cân bằng nội môi và hoạt động nội tiết tố có liên quan tạo – huỷ xương (Đậu đen, Đỗ trọng, Cỏ mực, Diệp hạ châu, collagen).


Tóm lại: thuốc tân dược (kháng viêm, allopurinol, colchicine) rất cần thiết để giải quyết nhanh tình trạng cấp tính gây viêm khớp do tăng acid uric. Nhưng chữa bệnh gout không thể chỉ bằng các loại thuốc trên mà cần một liệu trình tổng hợp từ thay đổi lối sống (tránh các thức ăn gây viêm như: thịt đỏ, hải sản, đồ lòng, không ăn nhiều nấm, đường tinh luyện, vận động vừa sức, kiêng thuốc lá, hạn chế rượu bia) đến  dùng thuốc đủ liều và phù hợp với cơ địa của từng người bệnh.