Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Chăm sóc Sức khỏe Đại Tràng

CẦN CHĂM SÓC SỨC KHOẺ CỦA ĐẠI TRÀNG (RUỘT GIÀ)
NHẰM KHÔNG XUẤT HIỆN “VẺ MẶT VIÊM ĐẠI TRÀNG”

Bs. Trần Văn Năm



Hệ Tiêu hoá nói chung và Đại tràng nói riêng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khoẻ con người, theo Đông y Bộ máy tiêu hoá thuộc Hệ thống chức năng TỲ - Vị *.  Đại tràng còn gọi là Ruột già, nó được ví như nhà máy xử lý rác thải.

Khi “rác thải” tức là các sản phẩm thừa sau khi được dạ dày – ruột non – mật và các tuyến tiêu hoá, thực hiện quá trình dị hoá, hấp thu sẽ còn sản phẩm dư thừa (phân) cần thải ra bỏ ngoài. Các sản phẩm cặn bả, dư thừa này chỉ lưu trú tại ruột già trung bình 12 –đến 24 giờ để hấp thu tiếp phần nước còn lại và sau đó phải được đưa ra ngoài.


Nếu chất thải tích trữ quá lâu (táo bón, nhiều ngày mới đi tiêu) nhiều “rác” tích lại sẽ sinh ra nhiều chất độc hại và cơ thể bị nhiễm độc. Một chức năng quan trọng khác của đường ruột (trong đó có ruột già) là chịu trách nhiệm hệ miễn dịch của cơ thể, chính là vai trò của các lợi khuẩn trong ruột:


Vi sinh vật đường ruột (gồm lợi khuẩn và vi khuẩn có hại), nguồn: Science)

1. Điều gì xảy ra khi sức khoẻ ruột già suy giảm?


  • Chúng ta biết, lợi khuẩn đường ruột đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như: tổng hợp vitamin (vit. K, nhóm B), tổng hợp acid amin, thoái biến đường phức**… hoạt động trao đổi chất của hệ lợi khuẩn đường ruột giống hoạt động của một cơ quan. Do đó cơ quan này được gọi là “cơ quan bị lãng quên”. Vi sinh vật đường ruột của người bao gồm khoảng 85% là lợi khuẩn và 15% vi khuẩn có hại cho sức khỏe con người.
    Khi tỷ lệ 85:15 này giảm xuống (> 15% vi khuẩn có hại), nó được gọi là dysbiosis (rối loạn hệ vi sinh đường ruột). Lúc này có thể xảy ra: hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm ruột, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm túi mật, loét, tiêu chảy, táo bón, tăng men gan, đau nửa đầu (đau đầu vận mạch), trầm cảm, mệt mỏi, rối loạn hệ thống miễn dịch, bệnh vẩy nến, eczema
  • Nếu rối loạn vi sinh vật đường ruột kèm theo những bệnh mạn tính khác cơ thể sẽ suy giảm các hoạt động chuyển hoá chất đi kèm: gốc tự do, chất AGEs tăng nhanh…già hoá sớm hơn tuổi khai sinh.
  • Uống nhiều thuốc kháng sinh, rượu bia quá độ, chế độ ăn nhiều chất đường tinh chế, mỡ xấu (chất béo bão hoà), thừa đạm nhưng thiếu chất xơ, enzyme, vitamin cần thiết…dẫn tới tồn đọng các chất chuyển hoá dở dang sẽ tác hại đến từng tế bào trong cơ thể. 


2. Đánh giá sơ bộ sức khoẻ của Đại tràng? 

Đơn giản có thể nhận biết sơ bộ sức khoẻ của ruột già như sau:

  • Đi tiêu đều đặn mỗi ngày từ 1 đến 2 lần, không đau bụng nhiều,
  • Khối lượng tuỳ vào số lượng thức ăn đưa vào, thường phân mềm, hình khuôn, không quá cứng, 
  • Không chất nhày, máu, không có nhiều thức ăn không tiêu (chất béo, thịt, rau), 
  • Không rả nhanh và nổi nhanh trên mặt nước,…

(Còn tiếp phần 2: Làm gì để sức khoẻ Ruột già được tốt?)

*Tỳ - Vị thuộc hành Thổ phụ trách chức năng chuyển hoá các chất. Theo Dịch học, hành Thổ là mẹ sinh ra các hành khác.. Tỳ thích cay ấm ghét lạnh ẩm (theo Nội kinh: Tỳ ố thấp, thức ăn có tính ẩm thấp sẽ cản trở hoạt động của tỳ vị và sinh bệnh). Hệ thống Tỳ - Vị của Đông y gồm các cơ quan của bộ máy tiêu hoá: ống tiêu hoá từ khoan miệng đến trực tràng (tuyến nước bọt - dạ dày – ruột non – ruột già, Gan – mật, Tuỵ).  

** Đường đôi: fructose (trái cây), sucrose (đường ăn), lactose (sữa), bánh kẹo chế biến sẵn…Đường phức: (có trong chất xơ và tinh bột): rau, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, đậu…