Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

Sức khỏe tuổi về hưu

TẠI SAO NGƯỜI VỀ HƯU THƯỜNG MẮC NHIỀU BỆNH?
Bs. Trần Văn Năm

Đồng hành với tuổi cao là sự xuống cấp các hoạt động sống của tế bào, cơ quan…đồng thời các bệnh tiềm ẩn khi còn trẻ cũng trỗi dậy, có thể xuất phát từ: bệnh nghề nghiệp, dinh dưỡng không hợp lý, rượu – bia, thuốc lá, lao động sai tư thế…Tuy nhiên, cùng một độ tuổi (tuổi khai sinh thật) như nhau nhưng có người lại phải đếm từng loại thuốc để uống hàng ngày, nhưng có người chưa cần phải uống bất cứ loại thuốc nào!



Tại sao lại bất công vậy? 

Qua quan sát lâm sàng (khám chữa bệnh hàng ngày) và kết quả từ nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy: yếu tố vận động đóng vai trò chủ yếu quyết định tỉ lệ bệnh và tật ở người cao tuổi. Vận động phải bao gồm cả vận động thể chất và vận động tinh thần. Chúng ta cùng tìm hiểu vai trò của vận động thể chất đối với cơ thể:
  • Hệ miễn dịch (immune system): tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm vi trùng và siêu vi khuẩn, rút ngắn thời gian hồi phục khi bị bệnh.
  • Hệ thống tim – mạch (Cardiovascular system): ổn định mỡ (lipid) máu, phòng bệnh Vữa xơ động mạch (gây tai biến mạch máu não, mạch vành tim), bệnh tăng huyết áp…
  • Hệ cơ xương khớp: ổn định khối cơ và trương lực cơ; chống giảm mật độ khoáng của xương (Bone Mineral Density) phòng bệnh loãng xương; tăng độ chắc của đầu gân, dây chằng, sụn khớp, hạn chế thoái hoá khớp. Do đó, cơ thể sẽ giữ thăng bằng và tính linh hoạt của động tác tốt hơn nên hạn chế gãy xương do té ngã. 
  • Hệ tiêu hoá: ổn định nhu động của dạ dày, ruột, mật và các men tiêu hoá nên giúp ngon miệng, chống đầy bụng, hạn chế táo bón. 
  • Các bệnh mạn tính không lây và bệnh ung thư: vận động giúp kiểm soát hội chứng chuyển hoá (nguyên nhân của: béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, tăng huyết áp), giảm trí nhớ - Alzheimer, loãng xương, viêm – thoái hoá khớp, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ruột già,…

Đối với vận động tinh thần: không nên để cho bộ não “nghỉ việc”, phải luôn tìm nguồn vui trong hoàn cảnh mới, khi mà chủ yếu chỉ có người thân (vơ – chồng, con – cháu) không đồng nghiệp, không gian hạn hẹp của gia đình. Giữ tinh thần minh mẫn, lạc quan sẽ giúp các hoạt động sống của cơ thể trở nên hiệu quả và đồng bộ hơn:
  • Duy trì mối liên lạc – thông tin ngoài xã hội: theo dõi thông tin, thời sự qua báo, đài, giữ liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp cũ, người thân…
  • Hạn chế tư duy tiêu cực, hối tiếc với thời “oanh liệt”, không sống vì quá khứ, yêu thương người thân, đi du lịch, tham quan, họp mặt, tham gia hoạt động từ thiện, chăm sóc cây cảnh, xem phim, thơ nhạc.
  • Học các kiểm soát stress: tập thiền định, thư giãn, dưỡng sinh, yoga…
  • Tiếp tục việc làm với chuyên môn được đào tạo, nhưng trong chừng mực phù hợp với sức khoẻ và điều kiện kinh tế, không nên tạo ra áp lực và căng thẳng… 

Tóm lại: muốn có sức khoẻ và không phải suốt ngày đếm thuốc để uống, mỗi người cần ghi nhớ nguyên lý luôn luôn đúng: “Vận động là sống, bất động là chết”. Con người là một động vật cấp cao nên ngoài vận động thể chất cần chú ý cả vận động tinh thần, vì “trăm thứ bệnh phát sinh luôn có góp phần của yếu tố cảm xúc rối loạn” như: quá vui, giận dữ, lo lắng, suy nghĩ, u buồn, sợ hãi, khủng hoảng. Vận động thể lực đều đặn, giữ sức khoẻ tinh thần ổn định, chất lượng sống của người ở độ tuổi về hưu chắc chắn sẽ tốt hơn.