Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

THỪA CÂN - BÉO PHÌ

GIẢM CÂN CẤP TỐC: DỤC TỐC BẤT ĐẠT
Bs. Trần Văn Năm

Tìm lại vóc dáng thon thả do thừa cân – béo phì (TC-BP) là niềm ao ước của nhiều người. Tuy nhiên, việc làm này không thể “đánh nhanh rút gọn” vì giảm cân thần tốc sẽ gây hậu quả khó lường. Cần hiểu rõ một vài thông tin bổ ích về bệnh TC-BP vì “khi biết rõ hơn, ta sẽ làm tốt hơn (Ts. Maya Angelou, người Mỹ).
  1. Định nghĩa TC-BP:
  • Thừa cân – Béo phì (TC-BP) là một bệnh mạn tính, hiện được biết đến như một dịch bệnh có tầm cỡ toàn cầu.
Đây là một loại bệnh do rối loạn chuyển hoá chất mỡ (lipid) và hiện tượng đề kháng insulin, hậu quả gây tích trữ lượng mỡ quá nhiều trong cơ thể.


  • Đề kháng insulin: chất insulin không thể làm tròn nhiệm vụ đưa chất đường vào tế bào của cơ thể, nên đường và insulin cùng tăng cao trong máu. Hậu quả xảy ra bệnh đái tháo đường type 2.
  1. Chẩn đoán:
Phát hiện thừa cân – béo phì khi trọng lượng cơ thể vượt quá cân năng lý tưởng. Cân năng lý tưởng được xác định theo một trong vài cách sau:
  • Chiều cao tính bằng Cm (Centimeter) – trọng lượng cơ thể Kg
  • Chiều cao tính bằng Cm (Centimeter) – trọng lượng cơ thể Kg  X 0,9
  • Chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index):

= Trọng lượng (Kg) / Chiều cao X chiều cao (m)

BMI theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và người châu Á (kg/m2)
Phân loại
WHO
Châu Á
Gầy
Dưới 18,5
Bình thường (Cân nặng lý tưởng)
18,5-24,9
18,5-22,9
Thừa cân
25
23
Tiền béo phì
25-29,9
23-24,9
Béo phì độ I
30-34,9
25-29,9
Béo phì độ II
35-39,9
30
Béo phì độ III
40
40

  1. Nguyên nhân TC-BP:
Không do một yếu tố duy nhất. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện một số yếu tố nguy cơ có liên quan chặt chẽ đến TC-BP, theo thứ tự thường gặp như sau:
  • Yếu tố lối sống: thiếu hoạt động thể lực, ăn quá nhiều thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao dẫn đến thừa năng lượng (mỡ động vật, chất bột đường), ăn ít chất rau – củ, trái cây. Hậu quả mất cân bằng giữa năng lượng tạo ra và năng lượng tiêu hao,
  • Yếu tố di truyền: có nhiều người trong gia đình cùng bị béo phì (khó xác định được mã di truyền cụ thể),
  • Yếu tố stress: căng thẳng tâm – thần kinh gây ảnh hưởng hoạt động những chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter) các thụ thể (receptor), peptide có thể kích thích hoặc làm giảm cảm giác no có liên quan đến chứng béo phì.
  • Một số ít bệnh lý có thể gây thừa cân: nhược giáp, hội chứng cushing, tổn thương vùng dưới đồi thị (hypothalamus), một số bệnh lý di truyền (Prader-Willi syndrome).
  • Một số thuốc giảm đau – chống viêm (có chứa corticoid): thuốc chống viêm khớp, viêm mũi – xoang, thuốc chữa Hen phế quản, thuốc trị bệnh tự miễn…
Nhưng phần lớn bệnh TC-BP do sự mất cân bằng giữa mức tích luỹ và tiêu hao năng lượng của cơ thể. Do đó, để điều trị chứng béo phì cần phải giảm mức tích luỹ và tăng mức tiêu xài năng lượng thừa là biện pháp hiệu quả nhất.
  1. Hậu quả của thừa cân – béo phì: TC-BP gây rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm:
  • Hội chứng rối loạn chuyển hóa: chất đường (bệnh Đái tháo đường type 2), chất mỡ (Tăng cholesterol và triglyceride), chất đạm (tăng acid uric máu, bệnh Gout),
  • Tăng huyết áp, Xơ mỡ động mạch, tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim,
  • Ngưng thở lúc ngủ, hen phế quản, hội chứng giảm thông khí do béo phì,
  • Thoái hóa cột sống, viêm xương khớp thoái hóa (thoái hóa khớp gối),
  • Tiểu không kiểm soát, rỉ nước tiểu. Béo phì gây giảm trương lực cơ đáy chậu, khó kiểm soát co bóp bàng quang, thường nữ mắc phải nhiều hơn nam.
  • Tâm lý không ổn định: thiếu tự tin, trầm uất, mặc cảm khi giao tiếp,
  • Suy nhược chức năng tình dục, hiếm muộn, rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang,
  • Tăng mỡ nội tạng: gan nhiễm mỡ, viêm – xơ gan, sỏi túi mật, viêm tụy…
  • Tăng huyết áp thai kỳ, dễ nhiễm trùng sau phẫu thuật,
  • Ung thư đại tràng, thực quản, tụy, thận, nội mạc tử cung, buồng trứng, túi mật vú, hoặc gan.
  1. Điều trị hợp lý bệnh TC-BP: Cần tuân thủ liệu pháp tổng hợp dưới đây:
    1. Thay đổi lối sống:
  • Thực hiện lao động và nghỉ ngơi cân bằng, kiểm soát stress, thực hành tư duy tích cực, sống lạc quan,
  • Tập thể dục đều đặn: 30 phút 1 ngày và 5 – 6 ngày/ tuần.
  • Ăn uống hợp lý: là cách ăn khoa học, đem lại hiệu quả giảm nhưng không phải chịu đựng sự thèm thuồng quá đáng, khổ sở, giảm chất lượng sống. Một cách ăn giúp giảm cân, gần đây được giới thiệu rộng rãi tại Mỹ và các nước (Mỹ cấp bằng sáng chế), đó là:
Chế độ ăn THINSULIN (think thin insulin): ăn giảm chất bột đường có chỉ số sinh đường (glycemic index) và Tãi đường (Glycemic index) cao*, nhằm giảm insulin trong máu; đủ chất đạm, vitamin và chất béo; hạn chế thức ăn chế biến sẵn, nước ngọt có gaz.
Riệng một số chế độ ăn khác như: ATKIN diet, KETOGENIC diet…cần thận trọng khi áp dụng nếu TC-BP có kèm đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh tim mạch do xơ vữa mạch máu.
    1. Sử dụng thuốc cần đúng chỉ định, nguồn gốc rõ ràng,
    2. Hỗ trợ: xoa bóp, châm cứu…
    3. Can thiệp ngoại khoa: Hút mỡ, phẫu thuật dạ dày. Đây là những giải pháp sử dụng rất hạn chế đối với TC-BP nghiêm trọng và cần có chuyên gia với tay nghề cao thực hiện.

  1. Dược liệu hỗ trợ phòng và trị bệnh TC-BP:

Trên thực tế, Việt Nam có nhiều dược liệu giúp cải thiện tình trạng rối loạn tích tụ chất béo qua nhiều cơ chế: bảo vệ nguồn men (men chuyển hóa, men tiêu hóa và men vi sinh) của Hệ tiêu hóa, củng cố chức năng hoạt động của các cơ quan chịu trách nhiệm chuyển hóa chất của cơ thể (Đông y gọi là Tỳ - Vị): thanh lọc chất dư thừa của cơ thể bằng các con đường: đại tiểu tiện, mồ hôi, hạn chế cảm giác đói…Các dược liệu đã được nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng cho kết quả giúp giảm cân, ổn định các thành phần lipid máu:

Linh chi, Lá sen, Bạch sâm, Sâm Châu á, Tỏi, Bụp giấm, Sơn tra, Cúc hoa, Nghệ vàng, Nụ vối, Ngưu tất, Artichaud, Bụp dấm, trà xanh, chè Vằng, quả Bứa, dây Thìa canh…có tác dụng trên chuyển hoá chất mỡ, kiểm soát tình trạng rối loạn lipid máu, giảm đề kháng insulin.
Rất cần thiết tìm nguồn dược liệu sạch, chọn quy tắc phối hợp các dược liệu thành chế phẩm hay thuốc hợp lý sẽ đem lại kết quả cao.

  1. Giảm cân nhanh “dục tốc bất đạt”:

Không nên thực hiện giảm cân quá nhanh như: nhịn ăn quá đáng, uống thuốc tẩy sổ, thuốc gây chán ăn…chỉ nên giảm khoảng 0, 5 kg – 1 kg cân nặng trên 1 tuần là hợp lý. Nếu gây giảm cân nhanh bằng nhịn ăn, tẩy sổ, lợi tiểu mạnh, dùng thuốc tạo cảm giác  chán ăn… có thể gây thiếu hụt: chất dinh dưỡng, vitamin, mất nước và xáo trộn cân bằng các chất điện giải trong cơ thể sẽ lợi rất ít mà hại nhiều hơn.

Tóm lại: 
Nên nhớ, giảm cân cần liệu pháp tổng hợp và là “một cuộc hành trình, không đơn giản chỉ là đích đến và điểm khởi đầu cuộc hành trình này chính là sự quyết tâm, không có quyết tâm đích đến sẽ xa vời vợi và hiệu quả sẽ không như mong muốn. Giảm cân ngoài việc có được vóc dáng thon đẹp, còn chủ động phòng bệnh Đái tháo đường, bệnh tim mạch, giúp xương khớp khỏe…, tiến đến sống vui và sống có ích. Câu nói khác Ts. Maya Angelou áp dụng được trong hành trình giảm cân: Hãy cứ nỗ lực hết mình, thành quả thành quả cuối cùng sẽ khiến bạn bất ngờ”.
Ghi chú:
Để giảm cân cần chọn phần lớn thực phẩm có GI và GL thấp và một ít thực phẩm có GI GL trung bình:
* Chỉ số sinh đường (glycemic index=GI):
- Thấp: 0 – 54
- Trung bình: 55 – 69
- Cao: > 70
*Chỉ số Tải lượng đường (glycemic load=GL):
- Thấp: < 10
- Cao: > 20

Tham khảo thêm: https://universityhealthnews.com/daily/nutrition/glycemic-index-chart/