CÂY THUỐC MANG TÊN KHỈ TRỊ BỆNH LOÃNG XƯƠNG (OSTEOPOROSIS)
Bs. Trần Văn Năm
CÂY LÔNG KHỈ
Tên khác: Cẩu tích, Kim mao, Lông cu ly, Ráng cát tu, Co cút pá (Thái), Nhải cù viằng (Dao), Đạng pàm (K ho), Cút bang (Tày).
Tên nước ngoài: Golden moss (Anh), agneau de Scythie, cibotie (Pháp).
Tên khoa học: Cibotium barometz (L.) J. Sm. Họ Cẩu tích (Thyrsopteridaceae).
Thành phần hoá học [Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB: khoa học và kỹ thuật, 2004. Tr. 366-368]:
Thân rễ Cẩu tích chứa 30% tinh bột. Lông cu li (lớp lông màu vàng bao quanh thân rễ) chứa tannin và sắc tố. Theo Yuan Zhong và cs. (1996) phân lập từ thân rễ Cẩu tích hợp chất có tên -sitosterol, acid stearic, daucosterol, acid protocatechuic, acid cafeic (CA 125. 67940).
Tác dụng dược lý:
Rễ Cẩu tích có tác dụng chống viêm, chủ yếu giai đoạn viêm cấp, trên giai đoạn viêm mạn tính có tác dụng yếu hơn. Độc tính thấp.
Bộ phận dùng: thân rễ cây Lông khỉ có vị đắng, tính ngọt, ấm vào 2 kinh can, thận. Có tác dụng tăng khả năng hoạt động gân cơ (bổ can – thận), chống viêm – hạ nhiệt (khu phong, trừ thấp), giảm đau (chỉ thống). Thuốc được xếp vào nhóm tăng hoạt động chức năng của cơ quan (thuốc trợ dương).
Công dụng: đau lưng, cứng cột sống, mỏi gối, khớp sưng – đau, tiểu tiện nhiều lần, không kiểm soát được, huyết trắng (bạch đới).
Liều dùng: 15 – 30g (dạng phơi hay sấy khô, sao vàng).
Nghiên cứu thực nghiệm:
- Kết quả nghiên cứu tác dụng của Cẩu tích trên chuột bị loãng xương do cắt bỏ buồng trứng cho thấy dịch chiết Cẩu tích phòng ngừa giảm mật độ xương cổ xương đùi, bằng chứng là giảm các dấu ấn chu chuyển xương như osteocalcin (OC), alkaline phosphatase (ALP), deoxypyridinoline (DPD), và giảm bài tiết calcium và phosphorus trong nước tiểu. Tăng độ chắc của xương và phòng thoái hoá của vi cấu trúc xương xốp (trabecular bone). [J Ethnopharmacol. 2011 Oct 11;137(3):1083-8. doi: 10.1016/j.jep.2011.07.017. Epub 2011 Jul 18. Zhao X1, Wu ZX, Zhang Y, Yan YB, He Q, Cao PC, Lei W.].
- Một nghiên cứu khác đăng trong Journal of Natural Products, tác giả Young Ho Kim, PhD, của Đại học quốc gia Chungnam ở Daejeon, Hàn Quốc, cộng tác với các đồng nghiệp Việt Nam, cho thấy: hợp chất phân lập từ Cẩu tích có tác dụng ức chế hoạt động của các huỷ cốt bào (tế bào huỷ xương), chống giảm mật độ xương.
Kết luận:
Từ kết quả nghiên cứu thân rễ cây Lông khỉ trên thực nghiệm và ứng dụng lâm sàng của các thầy thuốc YHCT từ rất lâu để trị các bệnh lý cột sống, xương, khớp…cho thấy triển vọng sử dụng dược liệu này trong điều trị bệnh loãng xương là có cơ sở khoa học. Cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của vị thuốc vừa dễ tìm vừa phù hợp với khả năng kinh tế của nhiều người bệnh Việt Nam.