Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Mừng Xuân: Một số lời khuyên sức khỏe

Mừng Xuân: Một số lời khuyên sức khỏe

BS. Trần Văn Năm
Trong những ngày Tết; người người gặp gỡ, trò chuyện “trà dư tửu hậu”, chúc nhau vạn sự như ý, kèm theo lời chúc là những “chén rượu nồng” mà không thể từ chối được, đó là nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, quá nhiều rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Vậy bạn nên cần biết một số món ăn có thể giúp bảo vệ gan và tăng nhanh thải rượu ra khỏi cơ thể trong những trường hợp như thế!



Thành phần chính của rượu bia là Ethanol, hàm lượng Ethanol trong máu cao sẽ làm cho bạn cảm thấy choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, mất tự chủ thậm chí hôn mê.
Khi rượu đi qua gan sẽ gặp hai chất xúc tác ADH và ALDH. ADH chuyển đổi rượu thành acetaldehyde (Acetic aldehyde, Ethanol, Ethyl aldehyde). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ acetaldehyde cao dẫn đến suy giảm nhận thức, mất trí nhớ, khô miệng, mệt mỏi và kiệt sức. Lâu dài acetaldehyde là chất sẽ sinh ung thư.
Trong tình huống khẩn cấp, nếu còn tĩnh táo, hãy gây nôn để đào thải lượng lớn rượu bia ra khỏi dạ dày. Bạn có thể dùng 2 hoặc 3 ngón tay đặt vào cuống lưỡi rồi ấn mạnh xuống, sẽ gây phản xạ co thắt dạ dày-ruột và thức ăn cũng như rượu bia sẽ theo đó bị tống ra ngoài.
Tuy nhiên, sau đó cơ thể sẽ mệt mỏi, đau đầu, choáng váng…ảnh hưởng đến công việc của bạn. Vì thế, nên cần biết một số món ăn, nước uống đơn giản giúp phục hồi sức khỏe và bảo vệ cơ quan thải độc trọng yếu của cơ thể là “lá Gan”.
Canh nấm Đầu khỉ: nấm Đầu khỉ còn gọi là nấm Hầu thủ, khi nấu với thịt nạc heo hoặc cá (thêm gia vị: tiêu, hành, gừng) giúp bảo vệ hệ thần kinh và hệ tiêu hóa, chống viêm niêm mạc dạ dày ruột.
Món trứng gà: luộc hoặc nấu cháo trứng gà (khoảng 2 trứng) nhờ vào một acid amine gọi là L-cysteine giúp loại bỏ acetaldehyde còn tồn đọng trong cơ thể nên cơ thể sẽ mất đi cảm giác mệt mỏi khó chịu.
Ăn cháo loãng hoặc súp nóng rau củ: giúp hạn chế hấp thu rượu bia, bổ sung chất dinh dưỡng có trong cháo hoăc súp.
Canh Khổ qua nhân thịt nạc (hoặc tôm):
Nguyên liệu: 3-4 trái khổ qua, 300g thịt nạc (hoặc tôm), 200g cá thác lác, gia vị: tiêu, hành tím, rau mùi. Nấu uống nước và ăn 1 đến 2 quả Khổ qua nhồi thịt sẽ hạn chế tình trạng mệt mỏi và chống mất nước.
Lưu ý: Nếu sử dụng nhân tôm nên tránh nấu quá lâu hoặc hâm lại nhiều lần, nhân sẽ bị bở và sẽ mất độ dai.
Canh kim chi nấu thịt bò (thịt heo nạc):
Nguyên liệu: 200g kim chi, 200g thịt bò (thịt heo nạc), gia vị. Nấu uống nước và ăn phần kim chi có thịt, có tác dụng thải độc và bù chất dinh dưỡng.
Nước vắt gừng tươi (50g): gừng giúp tăng tuần hoàn máu đến thận và da, nên thải rượu nhanh qua đường tiểu và mồ hôi.
Trà xanh đậm, nóng: chứa acid tanic trung hòa chất cồn trong máu.
Nước cam pha mật ong: có đường fructose giúp bổ sung nước và chống hạ đường huyết thường xuất hiện ở người say rượu.
Sữa chua: chậm hấp thu rượu và bảo vệ niêm mạc dạ dày nhờ có nhiều vitamin nhóm B, nhiều vi khuẩn có lợi bảo vệ đường tiêu hóa bị tổn thương do rượu bia.
Sắn dây (25-50g): có tác dụng tốt cho gan và hệ tim mạch, bảo vệ và chống co thắt ống tiêu hóa, giải độc của cơ thể, hạ sốt…
Nước ép cà chua: chứa các acid hữu cơ (citric, malic, oxalic), nhiều vitamin, muối khoáng… nên có tác dụng giải độc, bổ sung nước giàu nguyên tố vi lượng và vitamin.
Chuối: dùng quả, tuy có nhiều loài khác nhau nhưng chuối có tác dụng chung: giải độc, chống khát, bổ sung chất dinh dưỡng, bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa nên cần thiết cho người say rượu.
Lời khuyên
Uống nhiều nước: khi uống rượu cơ thể sẽ bị mất nước qua đường mồ hôi, đường tiểu, nôn… nên cần uống nhiều nước hơn để phòng rối loạn nước điện giải. Nhưng tuyệt đối không được uống nước có gas vì sẽ tạo ra lượng khí carbon dioxide trong dạ dày và ruột gây tăng hấp thu nhanh rượu bia vào máu.
Không uống rượu khi bụng đói: một lượng lớn rượu bia sẽ bị hấp thu nhanh vào máu khi dạ dày rỗng. Thêm vào đó, uống rượu nhanh vào dạ dày gây kích thích niêm mạc dạ dày và tổn thương hàng rào bảo vệ niêm mạc là chất nhày. Để giúp giảm bớt các vấn đề của niêm mạc dạ dày, không nên uống rượu bia khi bụng đói.
Cần kiểm soát bản thân: để không quá say xỉn rồi giải quyết hậu quả vì “phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh”.