Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Xuân Bính Thân: Nói chuyện công dụng của con “Khỉ”

Xuân Bính Thân: Nói chuyện công dụng của con “Khỉ” trong y học cổ truyền

BS. Trần Văn Năm

Trong văn hóa đại chúng, hay trong thành ngữ Việt Nam thường có những câu nói về con khỉ như: nuôi khỉ dòm nhà, rung cây nhát khỉ, nhăn nhó như khỉ ăn gừng, chuột trù chê khỉ rằng hôi khỉ lại trả lời cả họ mày thơm, hứa hươu hứa vượn…. Con Khỉ đi vào đời sống văn hóa người châu Á qua năm thân, tháng thân, ngày thân, giờ thân. Thân (hay còn gọi là con Khỉ) cũng là con giáp đứng hạng thứ 9 trong 12 con giáp. Tuy nhiên, theo Thiền sư Tuệ Tĩnh (trong Nam dược thần hiệu, thế kỷ 14) và Danh y Hải Thượng Lãn Ông (trong Lĩnh Nam bản thảo, thế kỷ 18); “Khỉ” được dùng trong Y học cổ truyền (YHCT) từ rất lâu đời. Một số bộ phận cơ thể của Khỉ có thể làm thuốc như xương khỉ gọi là Hầu cốt; thịt khỉ gọi là Hầu nhục; Mật khỉ... và có công dụng như thế nào đối với sức khỏe.
Ảnh: khoahoc.tv

Thịt khỉ
Theo nhiều tài liệu cổ, thịt khỉ có thể dùng trị sốt rét (thời xa xưa có thể loại bệnh không do ký sinh trùng sốt rét thực sự) kinh niên. Danh y Lý Trời Trân cho rằng ăn thịt khỉ có thể phòng tránh được lam sơn chướng khí (do ký sinh trùng gây bệnh?). Trung dược học bản thảo ghi thịt khỉ trị chứng phong lao, ngâm rượu chữa sốt rét kinh niên. Thịt có tác dụng bổ thận tráng dương, thu liễm cố tinh. Tuy nhiên, hiện nay nền y học phát triển có nhiều thuốc đặc trị tốt hơn nên thịt khỉ dùng chữa bệnh có thể còn lưu hành rải rác ở một số dân tộc miền núi.
Thịt khỉ chưng cách thủy với Hoàng kỳ, Hoài sơn ăn vài lần có thể giảm nhẹ bệnh trĩ (chưa được kiểm chứng).
Rượu thịt khỉ còn dùng tăng cường sức khỏe cho nam giới và giúp sớm có thai ở phụ nữ chậm có con. Chữa lưng đau gối mỏi, tiểu nhiều nhưng có nguyên nhân thực thể.

Cao khỉ
Có 2 dạng bào chế: Cao xương khỉ (cao nấu chỉ bằng xương khỉ đã bỏ hết thịt, da, ruột)và Cao khỉ toàn tính (là cao nấu toàn bộ con khỉ đã bỏ phủ tạng (giữ mật lại)). Hiện cao khỉ toàn tính được đánh giá tốt hơn.
Riêng Cao xương khỉ có vị chua, tính bình (không nóng, không lạnh), không có độc tính. Có tác dụng chống co rút gân cơ, kháng viêm, giảm đau (khu phong trừ thấp, thông kinh lạc, trấn kinh).
+ Công dụng: bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể (cao khỉ nói chung chứa các acid amin, chất béo, khoáng và các chất có tác dụng sinh học khác) giúp phục hồi thể lực, sức khỏe chung sau các bệnh nặng hoặc thời kỳ dưỡng bệnh: thiếu máu, gầy, da niêm nhợt, chán ăn, ngủ khó, dùng được cho cả trẻ em và phụ nữ. Ngoài ra, cao khỉ còn dùng hỗ trợ điều trị các bệnh về cơ xương khớp: viêm khớp mạn tính, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống.
+ Cách dùng: Nhai trực tiếp một miếng nhỏ, ngâm rượu, cho vào cháo, hoặc hấp cơm. Thường dùng phối hợp các vị thuốc khác: Cao khỉ 500g, cao Sơn dương 30g cùng Gừng, đường phèn, cồn, dầu Lạc vừa đủ 100g. Ngày uống 1 chỉ đến 1,5 chỉ (4-6g) hấp với cơm hoặc ngâm rượu cho tan. Có thể thêm mật Ong cho dễ uống.

Khỉ và một số công dụng y học khác
Ngoài ra, một số bộ phận khác của khỉ cũng được dùng làm thuốc (nhưng hiện không còn thông dụng) [2]:
- Mật khỉ được đồng bào miền núi sử dụng khá phổ biến (trị bệnh kiết lỵ, Đau mắt, động kinh, xoa bóp ngoài da…).
- Sỏi mật khỉ (Hầu táo, Calculus Macaca): Tán bột, dùng hoàn tán không bỏ vào thuốc sắc. Vị đắng lạnh, hơi mặn. Vào kinh tâm, phế, can đởm. Tác dụng hạ sốt, chống co thắt thần kinh cơ, loãng đàm, kháng viêm, trị hen.
- Máu ra sau khi khỉ sanh con, khô trên đá núi gọi là Huyết lình. Dùng cho phụ nữ sau sinh và trẻ em chậm lớn biếng ăn. Cho vào cháo hoặc ngâm rượu. Hiện không còn sử dụng phổ biến, chỉ còn rải rác ở những chợ miền núi.
- Bộ phận sinh dục khỉ đực ngâm rượu làm thuốc tăng cường khả năng tình dục ở nam (tuy nhiên chưa đủ tài liệu kiểm chứng, chủ yếu truyền miệng trong dân gian).
Trong dân gian cũng lưu truyền một số kinh nghiệm sau đây để chữa cam tích trẻ em:
+ Dùng nước miếng khỉ chữa cam tích trẻ em, bằng cách đưa cho khỉ trái cây, khỉ đang ăn dở thì lấy cho trẻ bị bệnh ăn tiếp.
+ Dùng gan, dạ dày, ruột khỉ làm thức ăn với cơm hoặc nấu cháo.
Không như nền y học cổ truyền, y học khỉ được dùng chủ yếu trong nghiên cứu tiền lâm sàng (thử nghiệm thuốc), nghiên cứu sản xuất vắc-xin chống lại các bệnh do virus. Thận khỉ được dùng để chế vaccin chống bại liệt, dùng trong thí nghiệm dược lý. Ở Mỹ hàng năm cần hàng chục vạn con khỉ Macaca Mulatta để phục vụ các phòng thí nghiệm.
Bài học từ cách sinh hoạt của Khỉ
Ngoài các bộ phận cơ thể của Khỉ dùng làm thuốc ra, chúng ta còn học được từ cách tự chữa bệnh của khỉ trong tự nhiên.
Ảnh: congtin.net
Nếu có thời gian quan sát đời sống của loài khỉ trong môi trường tự nhiên, có thể chúng ta sẽ tìm ra được vài cây thuốc có giá trị trị bệnh mà loài khỉ đã tự hái để ăn nhằm trị bệnh khi chúng mắc một bệnh nào đó. Ví dụ: ở Tanzania, nhà khoa học Richard Wrangham của trường Ðại học Harvard nhận thấy các con khỉ thường nhấm nháp lá cây Aspilia (thuộc họ Hướng dương). Ông đem về phòng thí nghiệm, phân tích thấy chứa nhiều chất thiarubrine A, là một chất có tác dụng chống nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng. Ngoài ra, nhà khoa học Machael Huffman thuộc trường Ðại học tổng hợp Tokyo cũng kể rằng ông từng chứng kiến một con khỉ sắp chết gặm liên tục một thân cây Vermonia amydalina, ngày hôm sau con khỉ đó đã khỏe hơn. Vì vậy, người Tanzania đã có truyền thống dùng cây này như một loại kháng sinh chữa các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa…(nguồn Các vị thuốc từ Khỉ, tác giả : BS. Phó Đức Thuần).
Lưu ý:
- Hiện nay một số loài Khỉ cũng được đưa vào sách đỏ vì số lượng bị giảm sút do săn bắn bừa bãi.
- Có sách viết khi xẻ thịt khỉ, nên để nguyên da. Nếu lột da, thân hình khỉ lúc đó trông như một đứa trẻ hoặc cho rằng óc khỉ sống là món đại bổ khi ăn. Nhưng những hành động này tạo cảm giác rất ghê rợn và quá nhẫn tâm. Vì thế, không nên phổ biến và tồn tại trong đời sống xã hội văn minh hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] Võ Văn Chi, Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản y học-1998, 1994-1997.
[2] Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam-NXB Hồng Đức-2014, 982-983.