CẦN HÀNH ĐỘNG NGAY
KHÔNG CHỜ PHẢI “GIÀNH LẠI TỪNG KHOẢNH KHẮC” CỦA SỰ SỐNG
Bs. Trần Văn Năm
“GIÀNH LẠI TỪNG KHOẢNH KHẮC” một câu nói cho biết tính khẩn trương của tình trạng bệnh lý cấp cứu và ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mỏng manh: Nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Có lẽ, không ai trong chúng ta muốn rơi vào hoàn cảnh nan giải trên.
1. Ai hội đủ điều kiện của tình huống đáng sợ này?
Các đối tượng sau đây sẽ là ứng cử viên của Nhồi máu cơ tim và Tai biến mạch máu não:
- Tăng huyết áp không điều trị tích cực,
- Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường),
- Thừa cân – béo phì, đặc biệt người có vòng 2 to hơn vòng 1 và 3,
- Rối loạn lipid máu (tăng cholesterol, tăng triglyceride, tăng LDL-c, giảm HDL-c),
- Hút thuốc lá kéo dài, uống rượu bia thường xuyên,
- Ăn nhiều thịt động vật (thịt đỏ: con 4 chân), nhiều mỡ động vật,
- Ăn ít rau củ trái cây, thói quen ăn ngọt (nhiều đường tinh chế: đường cát trắng, đường phèn, chè),
- Thường xuyên mất ngủ, bị stress, ít vận động, thiếu tập thể dục.
Hậu quả của các bệnh hoặc thói quen kể trên sẽ gây vữa xơ động mạch (VXĐM), tăng chất oxy hoá, viêm mạn tính, tăng đông máu, tổn thương nội mạch động mạch…
2. Biến chứng của VXĐM là gì?
Biến chứng của VXĐM là: hẹp, nghẽn (hoặc vỡ) động mạch não hay động mạch vành tim, hẹp động mạch thận…
- Hội chứng mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim: thường xử trí bằng thuốc giãn mạch vành, thuốc chống kết tụ tiểu cầu…hoặc nặng phải đặt stent, phẫu thuật bắt cầu mạch vành…
- Tai biến mạch máu não (nhồi máu não hoặc xuất huyết não): thuốc tan huyết khối khi còn trong giai đoạn giờ vàng (3 giờ từ khi xuất hiện các dấu hiệu của tai biến mạch máu não).
- Bệnh thận mạn tính, giai đoạn nặng phải chạy thận nhân tạo.
Các tình huống trên đều phải “giành lại từng khoảnh khắc”. Tuy nhiên, “cuộc chiến” này có hậu quả vừa tăng nguy cơ tử vong vừa tổn hại kinh tế gia đình cũng như xã hội.
3. Làm thế nào để không phải tham gia vào “cuộc chiến” trên?
(Cách dự phòng bệnh ra sao?)
Phải tích cực giải quyết các yếu tố nguyên nhân của 2 bệnh trên theo đồ hình sau:
Cần thực hiện chế độ ăn hợp lý và điều chỉnh phong cách sống khoa học:
3.1. Cách ăn uống hợp lý:
- Uống đủ nước tốt (nước có tính kiềm nhẹ: nước khoáng, nước ép trái cây không đường), hạn chế nước ngọt đóng chai (hộp) có gaz,
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, củ sạch: dạng tươi sống, (hoặc luộc, hấp với nhiệt độ không quá cao); hạn chế thịt đỏ, mỡ động vật, tăng cường cá trong khẩu phần ăn. Ưu tiên Nấm mèo đen, Nghệ vàng, quả Lựu, Quả Bơ, Mè đen, Hạt sen (còn nhuỵ), Hạt Ý dĩ, hạt Óc chó, củ Mài… (đã được nghiên cứu chống bệnh VXĐM và chống đông kết dính tiểu cầu trên lâm sàng).
- Ăn ít muối, hạn chế đường tinh luyện (gây tăng chất AGEs), giảm thức ăn nhanh (chế biến sẵn vì có nhiều chất bảo quản),
- Khẩu phần ăn sẽ thay đổi tuỳ theo tuổi và tình trạng sức khoẻ. Tuy nhiên, sau 25 tuổi nên ưu tiên ăn thức ăn có nguồn gốc thực vật chiếm 75 – 85% và 15 – 25 % là động vật,
- Chế biến món ăn nên đơn giản, hạn chế sử dụng nhiều gia vị, muối đường. Tránh thịt nướng cháy trực tiếp trên lửa.
- Ăn chậm, nhai kỹ: nên nhai thức từ 30 – 50 lần trước khi nuốt.
3.2. Phong cách sống khoa học:
- Không hút thuốc lá (hoặc tránh xa khói thuốc lá),
- Hạn chế uống rượu, bia,
- Tập thể dục đủ (25 – 30 phút/ngày; 5 – 6 ngày/tuần),
- Thực hành kiểm soát stress (Thiền định, Thư giãn, Thở bụng, thưởng thức thơ – nhạc, khiêu vũ…),
- Kiểm soát cân nặng: không để thừa cân – béo phì (dựa vào chỉ số BMI).
KẾT LUẬN:
Bệnh VXĐM không chỉ là bệnh người cao tuổi mà xuất hiện từ rất sớm, ngay ở độ tuổi trước trường thành. Nếu không có ý thức phòng chống, bệnh sẽ diễn tiến ngày nặng cho đến lúc xảy ra biến chứng tắc nghẽn mạch máu. Do đó, nếu không muốn rơi vào hoàn cảnh phải “giành lại từng khoảnh khắc”, chúng ta hãy thực hiện chế độ ăn uống hợp lý và điều chỉnh phong cách sống khoa học càng sớm hiệu quả sẽ càng cao.