Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Bệnh là hồi chuông cảnh báo

BỆNH VỪA LÀ HOẠ VỪA LÀ PHÚC
(Bs. Trần Văn Năm)
“Sinh, lão, bệnh, tử” quy luật không ai tránh khỏi. Bệnh thường là người bạn đồng hành bất đắc dĩ với con người. Theo Tổ chức y tế thế giới, trong chúng ta hiện chỉ có 5% người là thực sự khoẻ mạnh (không phải uống thuốc, không phải đến thường xuyên đến gặp bác sĩ), 75% người là giả khoẻ mạnh (có bệnh nhưng chưa phải nhập viện điều trị), 20% người là bệnh thực sự và phải nằm viện để chăm sóc.
Con đường đi đến bệnh viện là đích đến của đa số chúng ta (trừ một số ít không bao giờ phải đến bệnh viện), quãng đường là bao xa tuỳ thuộc yếu tố di truyền và lối sống.
 

Dựa vào thống kê trên cho thấy bệnh là tương lai hiển nhiên, không bệnh nặng cũng bệnh nhẹ. Thật may mắn khi ai đó chưa bệnh, đây là niềm hạnh phúc to lớn nhất. Nhưng có lẽ ít nhiều chúng ta đã từng chứng kiến người thân, bạn bè phải chịu đựng những giây phút “thập tử nhất sinh”, chịu cảnh 2 – 3 người trên 1 giường bệnh, chen chúc chờ đợi khám bệnh tại các hành lang đông nghẹt người của “Nhà thương”, còn phải nghe lời nói nặng nhẹ của nhân viên y tế nhiều tầng lớp...Tuy nhiên, không vì thế mà buông xuôi, khổ sở, buồn bã, chán nản…chính những cảm xúc không tốt trên sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ thể và gây nặng thêm tình trạng của bệnh và tạo thành vòng lẩn quẩn không thoát ra được. Cuộc sống là như thế, có thể hôm nay chúng ta khoẻ mạnh, nhưng mai lại đau yếu; hoặc hôm nay là thầy thuốc oai phong lẫm liệt và mai kia lại là người bệnh nằm chèo queo... Cuộc đời “vô thường” là như thế đấy!

Khi bị bệnh thường kèm theo “đau” cơ thể và “khổ” tinh thần. Tuy nhiên, đây chính là hồi chuông cảnh báo chúng ta một cách chính xác và hiệu quả nhất về những gì chưa đúng trong ăn uống, sinh hoạt, làm việc trong thời gian vừa qua. Nên khi mắc phải một bệnh nào đó, chắc chắn chúng ta đã có sai lầm trong lối sống, cần phải điều chỉnh lại. “Hoạ” vì chúng ta đã gây tổn hại sức khoẻ cho bản thân và kinh tế gia đình, nhưng “Phúc”  vì nếu sống còn sẽ là dịp để sửa sai. Do đó:
1. Không vội buồn phiền thái quá, đừng để suy sụp tinh thần. Nhân đây để kiểm chứng lại:
  • Phong cách sống, nghỉ ngơi không khoa học,
  • Thói quen ăn uống không hợp lý,
  • Tư thế làm việc, lao động sai…
2. Khi bị bệnh không quá căng thẳng, bi quan, suy nghĩ tiêu cực, vì rối loạn cảm xúc (vui mừng, giận dữ, lo lắng, ưu tư, buồn rầu, sợ hãi, kinh dị) bệnh càng nặng thêm và không giải quyết được gì. Nên cần tập trung chữa trị tích cực,
3. Đây là dịp giúp ta mở lòng với người khác: “đồng bệnh tương lân”, nuôi dưỡng tâm khiêm tốn và biết sống chia sẻ niềm đau nổi khổ với mọi người,
4. Sống cần giảm bớt đi lòng kiêu hãnh, tham vọng vừa đủ, vì cuộc đời và hạnh phúc thì ngắn ngũi và luôn có giới hạn,
5. Nếu ai đó được diễm phúc hơn người khác, có nhân thân tốt, mối quan hệ rộng rãi, điều kiện sống chắc chắn sẽ thuận lợi hơn, bữa ăn sẽ đầy đủ hơn, thậm chí dư thừa…nhưng cái gì cũng có mặt đối lập, nên cần phải “biết đủ” và “bệnh từ miệng mà vào” (bệnh tòng khẩu nhập).

Tóm lại:
Trong cái rủi thường có cái may, cái hoạ cũng có cái phúc, không nên bi quan, vì khi bị bệnh sẽ là dịp để chúng ta kiểm chứng lại bản thân, rèn luyện thêm ý chí phấn đấu vượt qua bệnh tật. Nên sống thuận với tự nhiên, thân thiện với môi trường. Luôn tôn trọng, lắng nghe, và quan tâm đến bản thân cũng như những người chung quanh. “Không nên phung phí sức khoẻ để kiếm tiền vì khi có nhiều tiền chưa chắc mua được sức khoẻ”.   
Một câu nói hay có thể vận dụng, “Để có sức khoẻ tốt: hãy ăn nhẹ, thở sâu, sống có chừng mực, nuôi dưỡng niềm vui và gìn giữ những mối quan tâm trong cuộc sống”.