TẠI SAO BÁC SĨ CÒN ĐƯỢC GỌI LÀ THẦY THUỐC
Bs. Trần Văn Năm
Người làm nghề chăm sóc, hướng dẫn cách giữ gìn và phục hồi sức khoẻ khi ai đó bị bệnh, người đó được gọi là bác sĩ hay “thầy thuốc”. Hai chữ Thầy thuốc bao hàm liên quan đến vai trò thầy và thuốc.
- Thầy: người hướng dẫn cho người khác các kiến thức về y học biết cách phòng và trị bệnh. Nếu vị bác sĩ đó làm việc trong bệnh viện còn phải truyền đạt kiến thức từ các tiền bối cũng như kinh nghiệm có được trong quá trình thực hành cho các đồng nghiệp trẻ tuổi.
- Thuốc: chỉ các phương tiện (thuốc, trang thiết bị y tế) để trị bệnh bằng nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu…
Tóm lại, “thầy thuốc” là người có nhiệm vụ hướng dẫn và sử dụng thành thạo thuốc và các phương tiện y tế nhằm mục tiêu phục hồi sức khoẻ cho người bệnh.
Để thực tốt nhiệm vụ trên, người thầy thuốc cần:
- Thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn (y lý),
- Yêu nghề, hết lòng chăm sóc người bệnh (y đức),
- Dành thời gian thăm hỏi, tìm hiểu nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây bệnh (y đạo).
- Vạch kế hoạch chữa trị: điều chỉnh lối sống, sử dụng thuốc hợp lý, tập thể dục vừa sức (y thuật).
Với nhiệm vụ nặng nề trên đòi hỏi người thầy thuốc phải:
- dành lượng thời gian nhất định cũng như phải có tính kiên nhẫn trong giao tiếp,
- không đại khái, qua loa, chỉ dựa vào kết quả cận lâm sàng mà chẩn đoán và chữa trị chính xác được.
Thực trạng tại các bệnh viện và các cơ sở y tế hiện nay rất khó để người thầy thuốc hoàn thành nhiệm vụ:
- Mỗi bác sĩ phải khám từ vài chục đến hơn trăm người cho một buổi khám bệnh.
- Khi chọn thuốc sử dụng cũng bị chi phối ít nhiều bởi sự “chăm sóc chu đáo” của các trình dược viên…
Trước thực trạng trên, rất cần cải cách nguồn nhân lực y tế, cơ sở vật chất (kèm trang thiết bị), chính sách đãi ngộ…Riêng bản thân người thầy thuốc phải nỗ lực rèn luyện cả chuyên môn lẫn đạo đức để xứng đáng với mong ước của người bệnh.
Người thầy thuốc giống như người tu giữa đời thường, nếu:
- Y đức không trong sáng ;
- Y thuật không chuyên sâu;
- Y lý không vững vàng;
Làm sao có thể tốt đạo (y đạo) đẹp đời cho được?